(VOV4) - Trong các ngày lễ tết, thậm chí bất cứ tháng ngày nào trong năm, người Dao cũng có thể cất lên lời hát. Là lối hát dân gian, với ý nghĩa cao đẹp trong từng câu hát, Páo dung đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Hát, tiếng Dao là “dung”. Người ta thường nói “páo dung” hay “pả dung”, “ày dung”. Đó là những khúc ca được dân gian sáng tác và lưu truyền. Páo dung sinh hoạt gồm các bài hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, hát than…; Páo dung tín ngưỡng - phong tục gồm các bài hát được sử dụng trong nghi lễ truyền thống của đồng bào Dao như lễ cấp sắc, lễ cưới, đám tang hoặc là cúng đầy tháng…
Hát theo lối sinh hoạt chủ yếu dựa vào tài “ứng tác” của người hát, tùy từng hoàn cảnh, đối tượng mà một chủ đề lại có những lời ca khác nhau. Ví dụ trong dịp mừng nhà mới, người Dao cất tiếng hát chúc cho gia đình chủ nhà sống hạnh phúc, làm ăn phát đạt: Đời này tiếp đời sau/Đều lo việc làm nhà/Ngôi nhà to rộng rãi/Chủ nhà gặp đại lợi/Gia đình được bình yên/Người già sống muôn tuổi/Người trẻ đẹp như hoa/Lương thực đầy kho/Gia súc đầy chuồng/Tiền bạc đầy nhà...
Nhưng hát theo nghi lễ lại là những bài hát cố định. Những câu hát, giai điệu của hát tín ngưỡng phải có quy tắc, chuẩn mực rõ ràng, bởi theo người Dao, đời sống tâm linh rất quan trọng.
Người Dao hát Páo dung. Ảnh: dantri.com
Ông Bồn Văn Bằn, trưởng thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang, là một trong những người cao tuổi ở làng còn thuộc cả nghìn câu hát: “Mình có một quyển ghi hết, phải thuộc lòng mới hát được, thuộc lòng trong tim rồi, có hàng trăm bài ấy. Sắp đến dịp nào thì tập theo bài đó”.
Phần lớn các làn điệu Páo dung cổ được ghi bằng chữ Nôm - Dao, rồi các thế hệ sau phiên âm, chép lại ra tiếng phổ thông. Cứ thế, đời nọ truyền đời kia. Người Dao áo dài ở thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thuỷ vẫn còn lưu truyền và bảo tồn được 54 bài hát cổ về giao duyên, 18 bài hát đón dâu, 8 bài hát trong đám ma. Ông Bồn Văn Bằn không còn nhớ mình đã thuộc tự bao giờ, chỉ biết rằng lời hát đã ăn sâu vào tiềm thức: “Do ý muốn thôi, mình theo các cụ, ai lớn tuổi biết hát thì mình ngồi theo dõi, ghi chép lại thì khắc thuộc. Còn không muốn thì kể cả dạy bao nhiêu cũng bỏ qua hết, không thuộc được”.
Theo thời gian, các lớp thế hệ sau này lại sáng tác thêm nhiều làn điệu, thể loại phù hợp với cuộc sống hiện tại. Thậm chí, nhiều người thuộc nằm lòng rồi nên không cần nhìn sách mà cứ thế hát. Ông Bàn Văn Quyền, người Dao Thanh y, ở thôn Thanh Hải, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh, cho biết: “Nhiều bài hát, nhiều kiểu hát, hát theo nhiều mục đích, hát từ mấy trăm năm trước rồi, ông cha nói tiếng dân tộc Dao toàn hát”.
Sự khác nhau giữa lối hát sinh hoạt và hát lễ nghi tín ngưỡng chính là ở nhạc cụ. Thông thường, hát lễ nghi tín ngưỡng hay còn gọi là điệu hát chầu của người Dao, không thể thiếu tiếng nhạc chuông. Thanh âm của tiếng nhạc giúp giai điệu rộn rã, sôi nổi hơn. Trong khi đó, lối hát sinh hoạt của người Dao lại mềm mại, bay bổng và dịu ngọt hơn, đòi hỏi người hát gửi gắm cả tâm tình, đó là lối hát giao duyên, lối hát ru trữ tình say đắm.
Páo Dung có thể hát bất kì lúc nào. Ảnh:dantri.com
Ở từng nhóm người Dao khác nhau, điệu Páo dung cũng có sự khác nhau, như ở người Dao Quần trắng, Dao Áo dài là âm điệu kéo dài, trầm; ở người Dao Đỏ, Dao Tiền và Dao Quần chẹt lại có làn điệu bổng.
Ông Bằn nói: "Người Dao có thể hát bất kỳ lúc nào, trong các ngày hội xuân, lúc đi chợ, khi lên nương... ". Họ chia thành từng nhóm, đứng theo hình chữ V và bắt đầu hát. Khi trên nương, họ hát những bài ca ngợi lao động sản xuất, cách thức canh tác hay những kinh nghiệm về thời tiết, mùa vụ. Khi con cái bước vào tuổi đi học hoặc bắt đầu lập nghiệp ở xa, họ lại hát răn dạy, nhắc nhở con cái ghi sâu công ơn sinh thành của cha mẹ, chăm chỉ học hành, đỗ đạt: Biết một chữ đáng ngàn vàng/Mọi người mau đưa con đi học/Nếu ai cũng biết đọc biết viết/Thiên hạ tất cả là trạng nguyên…Trong đám cưới, các bà các mẹ hát khuyên dạy người con gái trước khi về nhà chồng: Gả đến kinh thành nghe tiếng trống/Gả về nông thôn nghe tiếng gà/Trông kêu, gà gáy con mau dậy/ Đừng để mẹ già gọi tên con".
Trong lễ cấp sắc, người Dao sẽ giảng giải qua lời hát về nguồn gốc tổ tiên dòng họ; sự cần thiết phải học giáo lý của Đạo giáo, học đạo lý làm người qua lễ dâng đèn. Nội dung bài hát phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.
Mỗi ngành Dao có những làn điệu Páo dung ít nhiều khác nhau nhưng đều hình thành trên thể thơ lục bát hoặc thất ngôn. Một số làn quen thuộc, được cộng đồng dân tộc Dao biết đến nhiều nhất là páo phây (ngâm thơ), páo dung om hay còn gọi là páo dung tòi tồm dòi lủng (hát đối đáp giữa trai chưa vợ gái chưa chồng), páo dung muộn (hát ghẹo)…
Ví dụ, khi trai làng khác tới hát, các cô gái trong làng ra tiếp đón. Họ xin phép ông bà cha mẹ và những người tới dự để cuộc hát được bắt đầu. Trước tiên, bên trai hát chúc mừng chủ nhà rồi hát khiêu khích để bên gái lên tiếng với làn điệu páo phây. Bên trai hát rất lâu, bên gái mới chịu lên tiếng. Khi bên gái lên tiếng, bên trai chuyển sang làn điệu páo dung om. Hay khi uống rượu vui vẻ, đồng bào ca hát với nhau thì lại phải là làn điệu "Páo dung hộp tíu" - hát uống rượu.
Nếu ai đó mới nghe hát páo dung, thấy người Dao cứ hát triền miên từ giờ này qua giờ khác, và kỳ cuộc nào cũng hát, tưởng như làn điệu nào cũng giống nhau, nhưng thực tế là quy tắc rất rõ ràng, không xuề xòa được.
Thu Hòa/VOV4
Viết bình luận