H’Nhi Byă, người đàn bà kể khan​
Thứ tư, 00:00, 14/06/2017
VOV4.VN - Sử thi là một loại hình văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Hình thức hát kể này thường kéo dài thâu đêm suốt sáng bên bếp lửa. Có những chuyện phải kể hàng chục đêm mới hết. Bà H’Nhi Byă, dân tộc Êđê, là một phụ nữ hiếm hoi ở Tây Nguyên thuộc nằm lòng mấy chục bộ sử thi. Bà luôn sẵn sàng cất lên lời khan mỗi khi có dịp, chỉ với một mong muốn duy nhất: tìm được người muốn học sử thi, lưu giữ những bài hát kể của dân tộc mình.

 

Gặp chúng tôi, đôi mắt bà H’Nhi (ở buôn Kniêr, xã Tân Tiến, huyện Krông Pách, tỉnh Đắc Lắc), ánh lên niềm vui. Bà bảo: “Nghe cán bộ văn hóa nói có người muốn nghe kể khan, tôi mừng lắm, ngồi cửa đợi từ sáng đến giờ”.  Rồi bà kéo chúng tôi xuống bếp, thổi bùng lên ngọn lửa và hỏi thích nghe bài nào. Khi được yêu cầu sử thi Dăm San, bà nhẹ nhàng cất giọng.

 

Ngay từ khi còn nhỏ, cô bé H’Nhi đã được đắm mình trong lời khan của bố, của bác ruột. Trong ánh lửa bập bùng qua những đêm khan, những câu chuyện cổ tích của dân tộc đã ngấm vào tâm hồn cô bé.  Hơn 10 tuổi, H’Nhi đã thuộc lòng trường ca Dăm San. Khi lớn lên, bà H’Nhi đã thuộc gần 20 khan (sử thi) Êđê, như: Dăm San, Dăm Ji, Xinh Nhã, M’Hiêng…

 

Bà con quây quần bên bếp lửa nghe bà H’nhi Byă kể khan

 

Từ khi bố và bác về với tổ tiên, trong mỗi đêm hội của buôn Kniêr, bà lại hát sử thi cho buôn làng nghe: "Khi có nhà ăn năm uống tháng, tôi thường ngồi gần những người đang hát khan, nghe kể chuyện cổ tích. Người ta rủ tôi uống rượu cần, hát múa nhưng tôi không thích, tôi chỉ thích ngồi yên lặng nghe kể khan. Khi về, tôi tập hát theo. Tôi biết nhiều bài khan lắm. Những bài khan tôi đã thuộc thì tôi không thể nào quên được”.

 

Đã qua 80 mùa rẫy, với bà H’Nhi, mỗi lần kể sử thi là mỗi lần được sống lại không khí cộng đồng thời xa xưa. Bà tâm sự, người Êđê có câu: “Thiếu tiếng chiêng tiếng khan, như cuộc sống thiếu cơm thiếu muối”. Trước đây, sau mỗi mùa nương rẫy, buôn làng lại tổ chức các lễ hội. Những dịp ấy, âm thanh của cồng chiêng và lời khan hòa vào không gian huyền ảo, làm phong phú thêm đời sống của bà con, dạy bà con biết yêu thương, nhường nhịn, sẻ chia, và đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn. Bây giờ, cuộc sống khấm khá, thì lớp nghệ nhân biết kể khan, biết diễn tấu cồng chiêng… lại ngày một thưa dần. Các đêm khan quanh bếp lửa ngày càng thưa vắng, và người nghe khan cũng vắng hơn.

 

Ông Y Yick Byă, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, cho biết: Trước đây, một năm ít nhất xã cũng tổ chức 3-4 buổi để bà H’Nhi kể khan ở nhà sinh hoạt cộng đồng. Tiếc là từ năm ngoái đến nay, xã chưa có một đêm khan nào. Phần vì nhà văn hóa cộng đồng được thiết kế theo kiểu mới, không có bếp lửa; phần vì người muốn nghe kể khan ngày càng ít.

 

Bà H’nhi Byă rất buồn vì không còn nhiều người thích nghe khan

 

Rất ít người Ê-đê còn thích nghe khan, cũng không còn những đêm khan. Với bà H’Nhi, bà càng buồn hơn khi không thể tìm được người nối dài câu hát kể. Ngay cả với cô cháu gái H’Rôbica Byă, lớn lên trong lời khan, nhưng 22 tuổi vẫn không thể thuộc trọn vẹn một bài khan nào. H’Rôbika dù rất thích nghe bà hát khan, và cũng ý thức phải giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, nhưng do ngôn ngữ của sử thi chủ yếu là những lời văn cổ, nghe thì thấy hay, mà để hiểu và hát kể được thì vô cùng khó.

 

Không còn những đêm khan cả buôn làng quây quần bên bếp lửa bập bùng trong nhà dài, bà H’Nhi sẵn sàng hát kể mỗi khi có người muốn nghe, dù đó là ngày hay đêm, ở buôn mình hay làng khác. Trong căn bếp nhỏ của bà lúc nào cũng ủ sẵn một bếp than hồng để đón những người thích nghe khan và muốn học khan.

 

Nhưng không ai muốn học. Nói về tương lai của sử thi, giọng bà H’Nhi nghẹn lại. Khi tiễn chúng tôi, bà níu theo dặn dò: “Khi nào anh chị trở lại thì nhớ gọi ai thích học khan đi cùng. Tôi sẽ kể khan, dạy khan cho. Còn không thì tôi e rằng khi tôi mất rồi nó cũng sẽ mất luôn…”.

 

 

 

VOV Tây Nguyên



Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC