Lù cở của người Mông
Thứ tư, 11:13, 01/09/2021 HH bt bài TTT HH bt bài TTT
VOV4.VN - Chỉ bằng những vật liệu thô sơ từ rừng như tre, nứa... đồng bào Mông ở Sơn La đã sáng tạo ra nhiều vật dụng cho sinh hoạt thường ngày. Trong đó có chiếc lù cở, hay còn gọi là gùi.

Lù cở là vật dụng không thể thiếu trong đời sống đồng bào Mông. Nếu thêu thùa, may vá do phụ nữ đảm nhiệm, việc đan gùi lại là tay nghề của cánh đàn ông.

"Từ xa xưa, người Mông ưa sinh sống ở nơi hiểm trở nhất, cao nhất. Vì vậy, người Mông đã sáng chế ra chiếc gùi để có thể gồng gánh được bắp ngô, hạt thóc… vượt qua những tảng đá tai mèo lởm chởm, những con dốc chùn chân vó ngựa mang về nhà”. Ông Vừ Sua Ly, bản Pha Khuông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La nói.

Lù Cở được đan các cỡ to, nhỏ phù hợp theo từng lứa tuổi

Dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông Vừ Sua Ly vẫn nhớ rất rõ về từng chi tiết, cách làm chiếc gùi. Theo ông Ly, một chiếc gùi đẹp và bền chắc được nhiều người yêu thích, đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo, tỷ mỷ, trong từng khâu.

“Tôi bắt đầu làm gùi  từ năm 20 tuổi. Để có một chiếc gùi bền đẹp, đòi hỏi từng công đoạn phải được lựa chọn kỹ lưỡng. Nhất là khâu chọn và phải chặt những cây tre, trúc lâu năm, chiếc gùi mới được lâu bền, không bị mục. Tre, trúc khi mang về nhà sẽ được chẻ, vót thành các nan rộng khoảng 1 cm với hai lớp vỏ và lõi để riêng biệt”.
Để làm được chiếc gùi, đầu tiên sẽ đan đáy hình chữ nhật. Tùy thuộc vào lứa tuổi, chiếc gùi sẽ được đan với các loại kích thước khác nhau, với miệng hình trụ rộng từ 20 - 50 cm, sau đó đan chéo đôi nan trúc thứ tự từ đáy lên đến miệng khoảng 10 vòng lõi tre.

Đan một lượt thưa, trước khi gập xuống đáy, lấy một đoạn tre dày khoảng 1cm, rộng 2,5cm tạo thành hình tròn chồng lên miệng. Sau đó gập các nan lại xuyên qua các lỗ từ miệng xuống đáy, sao cho các lỗ hổng chiếc gùi kín, phần thừa của nan gập vào đáy tạo hai lớp giữ  chiếc gùi vững chắc hơn.

Con trai ông Vàng Sua Ly nối nghiệp bố đan Lù Cở

Bên cạnh đó, để chiếc gùi bền lâu, đẹp mắt, người đan sẽ dùng thêm nan mây hoặc nan tre non để nhiều năm trên gác bếp đan ở dưới đáy và trên miệng. Chiếc gùi có hai dây đeo, ngày xưa người Mông thường lên rừng lấy các sợi của cây móc để đan làm dây đeo cho bền, êm, đỡ đau vai. Ngày nay, dây đeo chủ yếu được cắt may từ bao tải hoặc da trâu, bò. Thời gian hoàn thiện một chiếc gùi là từ một đến hai ngày, tùy vào mức độ khéo tay, sự nhanh nhẹn của người đàn ông.

Đàn ông Mông thường đan gùi vào mùa mưa tháng 6 đến tháng 9 trong năm. Bởi vào mùa mưa không khí có độ ẩm cao, khi chẻ những nan trúc không nhanh khô, có độ dẻo tốt, uốn, gập dễ dàng không bị nứt gãy và đây cũng là thời gian người đàn ông rảnh tay hơn sau những ngày lao động vất vả. Đồng thời, chiếc gùi cũng là sự chuẩn bị cho một mùa thu hoạch với hy vọng về một mùa vụ bội thu, ấm no, hạnh phúc.
Chiếc gùi được đồng bào Mông sử dụng trong công việc hàng ngày. Mỗi người trong gia đình đều có một chiếc gùi riêng. Khi lên nương làm rẫy, bà con luôn khoác chiếc gùi sau lưng để đựng những nắm cơm, chai nước, những công cụ lao động. Lúc trở về nhà, chiếc gùi lại chứa đầy những sản vật từ núi rừng qua một ngày lao động vất vả như rau xanh, măng rừng, những bó củi hay những bắp ngô...

Ở nhà, bà con dùng gùi đựng lương thực, thực phẩm. Đến các buổi chợ phiên, chị em phụ nữ Mông lại đeo chiếc gùi xuống chợ mang theo nhiều loại nông sản để bán, tan chợ chiếc gùi lại theo chân người về bản với muối, thịt  hay vải vóc, chỉ thêu thùa của chị em....

“Từ khi còn là trẻ thơ tôi đã được bố mẹ cho khoác chiếc gùi lên nương. Có chiếc gùi làm việc gì cũng thuận tiện, nhất là những người phụ nữ chân yếu tay mềm như chúng tôi lại không biết đi xe máy. Đó là một vật dụng rất cần thiết trong cuộc sống”.- Chị Và Thị Và, bản Pha Khuông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, chia sẻ.
Cuộc sống ngày một đổi thay, song chiếc gùi - lù cở vẫn được đồng bào Mông gìn giữ, quý trọng và là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của đồng bào.

Và Mua/CTV CQTT Tây Bắc

HH bt bài TTT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC