(VOV) - Việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại đối với nghệ thuật xòe Thái đang được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cùng các địa phương vùng Tây Bắc khẩn trương tiến hành. Mường Lò, lòng chảo trù phú lớn thứ 2 miền Tây Bắc. là quê hương của những điệu xòe.
Mường Lò được coi là quê hương của người Thái miền Tây Bắc. Nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Thái, trong đó có các điệu xòe. Xòe được những người con gái Thái gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Nghệ nhân Lò Văn Biến, ở phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, cho biết: "Người già người trẻ muốn gần gũi nhau chỉ xòe, nó thể hiện sự bình đẳng rất cao, cho nên người Thái có dịp vui như tiệc cưới hay mừng nhà mới hay bất cứ cuộc liên hoan gì đó mà không có xòe thì không vui, không thành công".
Màn xòe với hơn 2.000 người tham gia ở Nghĩa Lộ năm 2013
Theo các cụ cao niên, xòe có 36 điệu nhưng tựu trung bắt nguồn, cải biến từ 6 điệu xòe cổ. 6 điệu này không chỉ đơn thuần để biểu diễn, mà còn mang quan niệm về cách sống, cách nghĩ và nếp sinh hoạt của cộng đồng người Thái từ bao đời nay.
Điệu Xé vóng (xòe vòng) biểu hiện sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng, các thành viên nắm tay nhau múa trên một vòng tròn. Điệu xoè Khắm khăn mơi lảu (nâng khăn mời rượu) thể hiện tình cảm quý mến khách, đến nhà chơi phải có chén rượu mời. Điệu xoè Phá xí (bổ bốn) có ý rằng dù có đi bốn phương trời, mười phương đất, anh em bạn bè có lúc chia xa nhưng không hề đơn độc mà phải giữ tình gắn bó, liên hệ với nhau. Điệu xoè Đổn hôn (múa tiến, lùi, lộn) khẳng định dù trời đất có chao đảo, nhưng tình người vẫn vẹn nguyên, cuộc sống có lúc nghiêng ngả, song đồng tộc vẫn không tách rời nhau. Điệu Nhôm khăn (múa tung khăn) là điệu xoè sôi động nhất, rực rỡ nhất, thể hiện sự vui tươi, phấn khởi khi mùa màng bội thu, là lúc cưới xin, khi lên nhà mới. Điệu xòe Ỏm lọm tốp mư (múa vòng tròn vỗ tay), thể hiện sự mãn nguyện, no đủ, vỗ tay không chỉ thể hiện sự vui vẻ mà còn có nghĩa là: tạm biệt, hẹn hò, hẹn gặp lại sau.
Bà Nhung Thị Tiên, Xã Sơn A, huyện Văn Chấn, cho biết: "Những điệu xòe diễn tả cuộc sống của người Thái. Thường ngày ứng xử với anh em, bạn bè thế nào thì xòe diễn tả lại như thế. Chính vì xòe mô phỏng cuộc sống mà nó gắn bó, thân thiết, không thể thiếu được".
Ngày vui nào cũng có điệu xòe
Những điệu xòe cổ từng có thời gian bị mai một, nhưng đã được thị xã Nghĩa Lộ quan tâm khôi phục cách đây gần 10 năm, sau đó được các nghệ nhân truyền dạy lại cho con cháu. Hiện, ở thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn có hàng nghìn người có thể xòe hay, xòe bài bản và thể hiện được hết tâm tư, tình cảm trong mỗi động tác.
Tháng 9/2015, 6 điệu xòe cổ ở thị xã Nghĩa Lộ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự công nhận đó đã mang đến niềm tự hào, phấn khởi để cộng đồng người Thái ở Mường Lò tiếp tục giữ gìn các điệu xòe.
Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh, Phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ, cho biết: "Chúng tôi đặc biệt chú ý đến việc gìn giữ 6 điệu xoè cổ của đồng bào dân tộc Thái. Trong những năm qua thì chúng tôi đã huy động sự tham gia của các nhà sưu tầm văn hóa Thái, truyền dạy lại chính xác những điệu xòe cổ, từ đó phát triển thành các điệu xòe phổ thông">
Nghệ thuật xòe Thái, nếu được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể nhân loại, sẽ góp phần nâng cao tầm nhìn đối với loại hình nghệ thuật này ở tầm quốc gia và quốc tế; qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương trong việc tiếp tục lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc trong vốn văn hoá truyền thống của cộng đồng người Thái. Đây cũng là cơ hội để xòe Thái trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc.
Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận