Nghe hát Soóng cọ ở bản Sán Chỉ
Thứ năm, 00:00, 14/04/2016

(VOV) - Soóng Cọ là làn điệu dân ca độc đáo của dân tộc Sán Chỉ vùng Đông Bắc. Đây là sản phẩm tinh thần, là tiếng nói của người lao động được lưu truyền qua bao thế hệ, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt và lao động của đồng bào.

 

Giữa không gian bao la núi rừng ngày đầu xuân, những câu hát Soóng cọ khi trầm bổng, lúc mượt mà làm lay động lòng người.

 

 Theo tiếng Sán Chỉ, Soóng cọ có nghĩa là xướng ca, là “hát giao duyên”. Lời ca Soóng cọ thuộc thể loại văn chương truyền miệng, là loại hình văn hóa dân gian thể hiện sự giao lưu tình cảm giữa các nhóm.

 

 Không ai biết lối hát Soóng cọ có từ bao giờ, chỉ nghe các bậc cao niên kể lại rằng: Có một thiếu nữ rất tài hoa, xinh đẹp và có tiếng là hát hay. Nàng hát giỏi đến mức không ai có thể đối lại được. Lời hát ví trau chuốt về câu từ, phong phú về làn điệu, có nhiều ngữ nghĩa, sâu sắc và đi vào lòng người. Từ đó, người Sán Chỉ yêu thích lối hát này và lưu giữ Soóng Cọ như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mình.

 

 

Một lớp học hát Soóng cọ

 

 Người Sán Chỉ ở xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh, lưu giữ những câu hát Soóng cọ bằng cách thành lập các Câu lạc bộ (CLB) hát Soóng cọ, mở lớp truyền dạy hát Soóng cọ.

 

 Ông Lục Văn Bình, chủ nhiệm CLB hát Soóng Cọ xã Thanh Sơn, chia sẻ:

 

- Chúng tôi rất là tự hào và cố gắng sưu tầm để tìm hiểu các làn điệu và các nội dung. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì sinh hoạt, mở rộng để kết nạp thêm hội viên mới; đồng thời đề xuất với chính quyền tạo điều kiện kinh phí để mở thêm các lớp truyền dạy cho thế hệ sau để đảm bảo duy trì, khôi phục lại làn điệu hát Soóng cọ.

 

 Với thể thức đối đáp, người hát Soóng cọ được chia làm hai tốp nam và nữ hát đối trong những dịp đầu xuân, trong lễ hội cầu mùa, trong lễ cưới, khi lao động sản xuất, lúc nông nhàn. Không như nhiều làn điệu dân ca khác, tục hát Soóng cọ quy định không hát với người cùng huyết thống, dòng tộc, họ hàng, vì đi hát là để tìm hiểu yêu đương của trai gái.

 

 

Hát đối đáp Soóng cọ trên sân khấu. Ảnh:dantri.com

 

 Mùa xuân, những đôi trai gái yêu nhau hát cho nhau nghe, gửi gắm tình yêu trong những câu hát. Họ hát đối với nhau. Hát một hôm, hai hôm, rồi hôm nào cũng hát và có thể hát suốt cả thời trẻ trung của mình. Bên thua thì muốn hát mãi, bên thắng thì lại muốn khoe tài. Những câu hát chân phương, mộc mạc ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu con người.

 

 Những cuộc hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ có đề tài riêng. Thanh niên thường mượn những cảnh đẹp của núi rừng quê hương, cảnh sinh hoạt hằng ngày, những câu chuyện cổ tích, thần thoại để thông qua đó nói lên tình yêu và ước vọng xây dựng cuộc sống vui tươi, hạnh phúc của mình. Những đêm hát Soóng Cọ là những đêm vui vẻ, xóa đi sự mệt nhọc của bao ngày lao động vất vả.

 

Chị Nịnh Thị Liên, hội viên CLB hát Soóng Cọ xã Thanh Sơn, kể:

 

- Tôi đi hát từ năm 17 tuổi. Tôi rất thích hát giao duyên. Mọi khi cứ đi đâu, gặp bạn bè, chúng tôi lại hát với nhau những bài hát Soóng cọ của dân tộc mình.

 

 Ngày nay, thanh niên không còn mặn mà với việc hát Soóng cọ, những câu hát cứ thế mai một theo thời gian. Ông Nịnh Văn Chau, 58 tuổi, ở xã Thanh Sơn, vẫn lưu giữ những bài hát Soóng cọ qua những cuốn sách bằng chữ Nôm mà ông cha để lại. Những cuốn sách đã hoen ố, phủ đầy cáu bụi, được đóng rất sơ sài, dùng dây dù buộc gáy, chất giấy thô ráp. Biết đó là sách quý, nên nhiều người đến trả giá cao nhưng ông không bán. Bán đi là mất một phần trong kho tàng văn hóa của dân tộc mình. Mất đi là không thể mua lại được.

 

  

 

Trần Huyền/VOV-Đông Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC