Cơ duyên đưa chúng tôi đến gặp nghệ nhân Vi Văn Môn là qua lời giới thiệu của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Thị Thanh Hiền, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Giang: " Trong quá trình hoạt động, anh rất tâm huyết sáng tác mới, sưu tầm, biên soạn, dịch các làn điệu then, cọi, câu chuyện văn nghệ dân gian. Vừa rồi anh cũng xuất bản nhiều cuốn sách, mọi người có thể tìm hiểu ở các thư viện, đặc biệt là tỉnh Hà Giang".
Say sưa sưu tầm vốn cổ
Bắt đầu sưu tầm vốn chữ cổ từ năm 1993, tỉ mỉ nhặt nhạnh từng con chữ, đến năm 2005, nghệ nhân Vi Văn Môn xuất bản tập thơ đầu tiên mang tên “Hoa núi”, dày 100 trang. Từ đó đến nay, đều đặn hàng năm ông đều cho ra đời những tập thơ song ngữ gắn với đời sống đồng bào dân tộc Tày.
Vừa làm quản lý ở phòng văn hóa huyện, vừa cất công đi sưu tầm ở các bản làng. Đầu tiên là đi điền dã, ông tự bỏ tiền túi, mang máy ghi âm theo, nghe được từ hay ở đâu là ghi chép, thấy bộ sách nào quý thì xin về hoặc chụp ảnh. Sau đó ông nghe lại băng, dịch từng từ một, rồi chuyển thành thơ song ngữ. Có những ngày chỉ dịch được 4 câu, bởi tiếng Tày 1 câu nhiều giọng điệu khác nhau, lời hát thì ví von, sâu sắc.
Nghệ nhân Vi Văn Môn nhớ lại: "Những quyển này thường tôi phải dịch mất 1-2 năm, có những từ tôi phải nghĩ đến 1 tháng mới dịch được từ tiếng Tày ra phổ thông. Vì lời Tày ví von sâu thẳm lắm, rất sâu. Ví dụ như là mời rượu nhau anh cạn 1 chén, em nửa chén thôi, tức là người nữ bao giờ cũng làm việc ít hơn người nam. Có lúc tôi còn nằm mơ hét lên a, chữ này thế này thế kia. Khó khăn nữa là nhờ người dịch hộ, tôi gom vào một dòng này có những chữ này không hiểu, đút túi, thấy người già nào cũng hỏi".
Tốt nghiệp trường Nghệ thuật Việt Bắc, Vi Văn Môn vào bộ đội, rồi xuất ngũ, làm nhiều công việc khác nhau, nhưng dù ở ngành nghề nào ông vẫn trăn trở với văn hóa nguồn cội: "Tôi sợ các cụ ngày một già đi, chết đi thì ai hát cho mà chép. Từ năm 1976 tôi đã nghĩ cái này. Sau đó bẵng một thời gian tôi đi làm diễn viên ở tỉnh Hà Tuyên, vẫn nghĩ đến song ngữ, đến năm 1993 bắt đầu làm".
Đối với nghệ nhân Vi Văn Môn, việc dịch thơ song ngữ chỉ là phần nhỏ trong kho tàng văn hóa phong phú của dân tộc Tày. Nhiều khi không biết nói thế nào cho đủ cho đúng, ông lại tay nải về các bản làng, tỉ mẩn gặp người già ghi chép lại.
Sách chữ cổ người Tày. Ảnh: baomoi.com
Nghệ nhân Vi Văn Môn tâm sự: "Có những đồ vật cổ người ta để bàn thờ cũng có câu chuyện rất hay mà mình chưa khai thác được, chưa biết hết được văn hóa truyền thống. Nếu không biết tâm lý của các cụ thì họ không hát cho nghe đâu, nên phải chịu khó ngồi cùng, bảo họ câu này hát như thế nào, mình truyền cho người ta hưng phấn hát cho mình nghe cả đêm, hóa ra có những ông già đã chép thành văn bản nhưng họ giấu ở đáy hòm không cho biết, sau quý quá, họ biết mình tâm đắc họ mới lấy ra".
Mỗi khi nhặt nhạnh được ở đâu đó chỉ vài từ ngữ bằng chữ Nho dịch ra tiếng Tày, ông vui sướng như trẻ được quà. Hiện, ông đang bắt tay vào dịch tiếp 3 tập từ ngữ do người dân ở các bản làng chép lại từ năm 1947.
Ông còn ấp ủ ý định viết trường ca, ghi lại những nét đặc sắc trong đời sống cộng đồng người Tày quê hương ông.
Gìn giữ nghệ thuật dân gian truyền thống
Nghệ nhân Vi Văn Môn say sưa với làn điệu cọi của dân tộc mình, cũng bởi từ nhỏ được sinh ra, lớn lên trong không gian thấm đẫm lời ca ngọt ngào, da diết.
Nói về hát cọi, ông say sưa cả ngày không chán: "Hát cọi của dân tộc Tày ở Vị Xuyên rất đặc biệt, cái ngân nó khác, nó hay, do cái giọng mình. Cọi có từ lâu đời lắm rồi, từ bé tôi đã nghe mẹ tôi hát. Cái hát cọi này xuất phát từ đám cưới, nhâm nhi chén rượu rồi mâm này hát đối với mâm kia. Đi làm nương thì có những người hát cọi hát vọng từ núi bên này sang núi bên kia".
Ở cái tuổi quá nửa dốc đời người, nhưng khi giọng hát cọi của Vi Văn Môn cất lên, vẫn mang đến cho người nghe thật nhiều cảm xúc. Có lẽ bởi cái tình đã thấm, đã ngấm vào mỗi làn điệu, khiến câu hát như cất lên từ mạch ngầm sâu thẳm trong tim ông.
Nghệ nhân Vi Văn Môn vẫn muốn góp phần truyền dạy những làn điệu truyền thống cho lớp trẻ. Hội Văn học Nghệ thuật huyện Vị Xuyên do ông quản lý mỗi tuần lại cử Hội viên sang dạy học sinh trường nội trú các làn điệu then, cọi, lượn…, dạy tự nguyện mà không cần bất cứ đồng lương nào. Ông tâm niệm nếu không truyền dạy dần dần thì vốn cổ cứ theo thời gian mà rơi rụng.
Ông Vi Văn Môn là hội viên của Hội văn nghệ dân gian VN; Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số VN. Ông có công đóng góp trong rất nhiều tác phẩm sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa dân gian dân tộc Tày. Nhưng điều tâm đắc nhất của ông là viết sách song ngữ, dịch thơ và làm thơ bằng tiếng Tày. Nhiều tập thơ đã đạt giải văn học toàn quốc và tỉnh Hà Giang. Ngoài ra, Vi Văn Môn còn là đạo diễn nhiều vở kịch tham gia hội diễn của địa phương, chụp ảnh sáng tác, đóng phim… Con gái ông, hiện cũng theo nghề biểu diễn và dàn dựng sân khấu như nghiệp của bố.
Thu Hòa/VOV4
Viết bình luận