Người Ê đê khóc thương người chết bằng đing năm
Thứ tư, 00:00, 24/05/2017 Thu Hòa biên tập chương trình + 1 ảnh Thu Hòa biên tập chương trình + 1 ảnh

VOV4.VN - Nhạc cụ dân gian Ê đê phần lớn có cấu trúc đơn giản, chế tạo bằng những vật liệu có sẵn trong thiên nhiên, dưới hai dạng chính: đồng và tre nứa. Nếu như cồng chiêng được yêu thích nhất trong số các nhạc cụ bằng đồng thì nổi bật trong nhạc cụ bằng tre nứa là đing-năm.

 

Sự tích nhạc cụ "sáu ống" 

 

Trong số các nhạc cụ của người Ê đê, đing năm được nhiều người yêu thích, nó gắn liền với sự tích độc đáo. Chuyện xưa kể rằng: Có hai vợ chồng người Ê đê sống với nhau qua bảy mùa rẫy mà vẫn chưa có mụn con nào. Họ ước ao có một người con để trông cậy lúc về già. Một lần đi rẫy, người vợ khát nước quá vội đi tìm nơi có nước. Vượt qua một quả đồi, ba con suối cạn, chợt bắt gặp một vũng nước trong veo trong hốc đá, chị liền uống một hơi cạn sạch. Uống xong chị cảm thấy người khoan khoái, tỉnh táo lạ thường. Từ ngày đó, người vợ có thai.

 

Đến mùa rẫy sau, chị sinh ra được sáu người con gồm ba trai, ba gái rất xinh đẹp, chúng giống nhau như hoa plang nở cùng một lứa. Càng lớn chúng càng giống nhau như đúc khiến cả cha mẹ cũng nhầm lẫn. Người cha liền vào rừng chặt sáu ống nứa dài, ngắn khác nhau rồi nói: Ống dài là chị, là anh, ống ngắn là em, là út, rồi trao cho các con. Các ống thứ nhất, thứ hai, thứ năm trao cho con gái. Các ống thứ ba, thứ tư và thứ sáu trao cho con trai.

 

Người con trai út rất thông minh và khéo tay. Chàng lấy sáu ống nứa đẽo gọt cho đẹp, gắn lưỡi gà làm từ cật tre vào các ống. Chàng gắn sáu ống nứa đó vào sáu quả bầu khô làm kèn để thổi tạo nên âm điệu thánh thót rộn ràng. Nghe âm thanh cao thấp ấy mà phân biệt đâu là anh, là chị, đâu là em, là út.

 

Chẳng may cha mẹ đột ngột qua đời. Sáu anh chị em mang các ống kèn ra thổi để tỏ lòng tiếc thương cha mẹ. Việc mỗi người thổi một ống quá bất tiện bởi lấy ai nấu cơm nấu nước, tiếp đãi khách khứa. Thế là chàng trai út lại nghĩ ra cách lấy một quả bầu to rồi gắn cả sáu ống kèn vào. Với ý thức mẫu hệ, chàng đặt các ống của các chị ở trên, của các anh và mình ở dưới. Sau khi dùi lỗ bấm, chàng trai thổi lên khúc nhạc lúc réo rắt, lúc buồn thương. Nhờ thế đám tang của cha mẹ được chu toàn. Vừa có người nấu cơm, khiêng rượu tiếp khách và đặc biệt là có điệu nhạc trầm buồn tiễn đưa cha mẹ về thế giới ông bà. Từ đó chiếc kèn được mọi người sử dụng và lan truyền khắp các buôn làng Ê đê. Họ gọi là Đing năm.

 

Người Êđê gọi ống sáo là Đing, năm là số 6 trong hệ đếm của họ. Đing năm, hiểu theo nghĩa đen là “sáu ống”, gồm 6 ống trúc hoặc ống nứa chắc ruột, ngắn dài khác nhau, xếp thành 2 bè, mỗi bè 3 ống. Tất cả được cắm một đầu vào trái bầu hồ lô đã phơi khô.

 

Nghệ nhân Oi Blứ, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) bảo, để làm ra một cây đing năm tốt, bền, trước hết phải có được trái bầu tốt. Ông đã tự tay trồng cả một giàn bầu và chọn lựa nhiều lắm mới được một trái ưng ý.

 

Oi Blứ chia sẻ: Tùy quả bầu, độ dài của ống căn cứ theo quả bầu. Mình phải chọn quả bầu thật già, cứng, lấy về phơi khô, phải cạo sạch hạt bên trong, mới lắp ống tre vào.

 

Quả bầu khô được cắm các ống xiên qua, dùng sáp ong rừng "dán" lại. Khoét 6 lỗ trên 6 thân trúc ở những vị trí cao thấp khác nhau. Người chơi thổi vào phần cuống của trái bầu khô đã được khoét thủng để tạo thành nhạc.

 

Đing năm, cũng như những nhạc cụ bằng tre nứa khác, như đàn t’rưng, đing buốt, goong kram, mơ buốt... người làm phải thật sự yêu thích, say mê. Từ việc sơ chế nguyên liệu, cho đến việc chuốt từng chiếc lưỡi gà bé xíu (thanh rung bên trong của ống sáo) đều yêu cầu sự tỉ mẩn. Kỹ thuật này tương đối khó vì đòi hỏi người nghệ nhân phải biết chơi nhạc cụ, có khả năng thẩm âm cao.

 

Đing năm chỉ thổi khi nhà có đám tang

 

Đing năm có thể thổi riêng khi đứng một mình, nhưng hay nhất và ấn tượng nhất là khi kết hợp tiếng sáo với tiếng hát ai-ray. Và khi có đám tang, thì tiếng đing năm chứa đựng nhiều ý nghĩa.

 

Trong các lễ hội như lễ cúng bến nước, lễ cầu mưa, lễ mừng lúa mới, lễ lên nhà mới, tang lễ, lễ bỏ mả... người ta thổi đing năm theo điệu hát Ai-ray, một lối hỏi đáp mang tính chất giao duyên hoặc tự sự. Ai cũng biết làn điệu này, nhưng không phải ai cũng hát được ai-ray, vì hát ai-ray không khó về giai điệu nhưng đòi hỏi người hát phải thuộc nhiều klei duê (lời nói vần) và khả năng ứng đối nhanh. Và khi kết hợp với tiếng đing năm, tạo thành bản phối khí trầm bổng, âm thanh lúc cao vút, réo rắt, lúc dồn dập, kịch tính.

 

Đing năm gắn với truyền thuyết về tang ma nên thường chỉ được thổi khi trong nhà hoặc trong buôn có đám tang. Ông Ama Loan, ở buôn Akodhong, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, kể lại: Người thổi như khóc cùng cây đing năm. Cả vợ hoặc chồng, cha hoặc mẹ người đó, cùng cả buôn ngồi lại bên nhau, kể lại quá khứ, thậm chí vừa thổi đing năm, vừa kể vừa hát vừa khóc.

 

Vào những ngày bình thường thì người Ê-đê thổi khi lên rẫy, vừa là công cụ đuổi chim, thú dữ, vừa là nhạc cụ giải trí sau những ngày lao động mệt nhọc. Ngoài điệu ai-ray, Đing năm còn thổi các điệu nhạc Nao h’ma (lên rẫy), cư H’yuh (núi bà H’yuh) hoặc thổi chơi trên rẫy một cách ngẫu hứng, sáng tạo mà không cần có tên bài, không cần phải có nội dung thành câu chuyện.

 

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

 

 

Thu Hòa biên tập chương trình + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC