Người Pà thẻn có chữ?
Thứ hai, 00:00, 05/12/2016 Hải Huyền bt ct + 2 ảnh Hải Huyền bt ct + 2 ảnh

(VOV4) – Khác với chữ viết thông thường, đây là hệ thống những ký tự, hình vẽ mang tính sơ khai, gần gũi với đời sống hằng ngày, hoặc nằm trong trí tưởng tượng của con người – Phát hiện của GS Lê Trọng Khánh, nguyên giảng viên trường Đại học KHXHNV – ĐHQG Hà Nội.

 

* Thông tin do Ông Trần Vân Hạc, Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, người được GS Lê Trọng Khánh ủy quyền phát ngôn những nghiên cứu của mình về chữ của người Pà thẻn, cung cấp.

 

Chỉ còn 2 bản lưu lại những bài cúng

 

Nghiên cứu của GS Lê Trọng Khánh cho thấy hiện nay hệ thống chữ cổ của người Pà Thẻn chỉ còn lưu lại ở một bản 64 trang ghi lại những bài cúng của người Pà Thẻn ở Thượng Minh (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) và một bản 32 trang gồm những bài cúng ở Bắc Quang (Hà Giang). Đây là hệ thống hình vẽ, ký tự biểu thị một hiện tượng, sự vật trong cuộc sống. 

 


Hình vẽ, ký tự tìm thấy trong sách cúng của thầy cúng Pà thẻn. Ảnh: Ông Trần Vân Hạc cung cấp

 

Người Pà Thẻn có hẳn một truyền thuyết lưu truyền trong dân gian: Xưa, người Pà Thẻn có chữ của riêng mình. Nhưng chỉ có đàn ông được học chữ. Do thiên tai địch họa, sự đàn áp của giặc dữ, người Pà Thẻn phải rời quê hương đi tìm vùng đất mới lánh nạn. Không thể đem theo sách, họ bàn nhau đốt hết, lấy tro hòa vào nước chia đều cho những người trưởng họ uống và thề từ nay trở đi không bao giờ dùng đến chữ nữa.
 

“Chính vì điều này mà năm 1958, khi có phong trào bình dân học vụ, Nhà nước vận động người Pà Thẻn học chữ rất khó khăn, vì người ta không muốn bước qua lời nguyền là không bao giờ dùng đến chữ nữa. Chữ mai một dần. Về sau, khoảng đầu những năm 60, nhóm nghiên cứu của trường ĐH Tổng hợp do GS Lê Trọng Khánh dẫn đầu lên còn tìm được 2 – 3 bài cúng. Thông qua vài thầy mo có đọc được con chữ đấy, cộng với sự giải mã của nhóm nghiên cứu thì người ta hiểu được một phần cuộc sống của người Pà thẻn thông qua chữ viết. Bây giờ tuy chữ không còn, nhưng dấu ấn lưu lại trên trang phục của người Pà thẻn. Họ thêu trên tay áo, trên vạt áo” – ông Trần Vân Hạc cho biết.

Theo ông Hạc, hệ thống ký tự, hình vẽ của người Pà thẻn được sắp xếp từ phải sang trái và trình tự đọc cũng tương tự như vậy. Tại văn bản tìm thấy, có tới 538 lượt hình, trong đó có 290 hình biểu thị một sự vật, một hiện tượng, 81 hình tập hợp nhiều sự vật và có 209 hình biểu thị một sự vật.
 

“Người ta vẽ trên giấy. GS Lê Trọng Khánh nói đấy là giấy dó. Người ta dùng mực tàu nên hàng trăm năm sau những văn bản vượt qua lời nguyền của tổ tiên, người ta mang vào Việt Nam, nó vẫn còn được. Chữ người Pà thẻn thuộc hệ thống chữ viết hình vẽ, gần giống như chữ tượng hình. Ví dụ, con vịt thì người ta vẽ một con vịt giống như trẻ con vẽ. Vẽ một người chẳng hạn, có một đầu hình tròn, có một cái tay, cái chân, cái đầu, cái cổ. Nhưng vẽ ma, trông mặt mũi không thuần phác như người bình thường. Tùy theo đấy là ma lành hay ma dữ” – Ông Hạc nói.
 

Những sự vật giống nhau đều được biểu thị bằng những hình vẽ giống nhau. Biểu thị sự vật có khi chỉ dùng một hình vẽ, nhưng cũng có khi tập hợp nhiều hình vẽ. Đặc biệt, mỗi hình vẽ đều cách nhau bởi ký hiệu chỉ hướng của sự vật.

 


Hình vẽ trên con dấu được tìm thấy. Ảnh: Ông Trần Vân Hạc cung cấp

 

Chữ viết và thế giới quan của người Pà thẻn
 

Tuy số lượng giải mã không nhiều, nhưng thông qua hệ thống những ký tự, hình vẽ trên sách của người Pà Thẻn, người ta cũng có thể thấy được đời sống, quan niệm về vũ trụ của cộng đồng này. 

Trước hết là cuộc sống sinh hoạt. Đó là những hình vẽ mô tả nhà cửa, khu chăn thả gia cầm, gia súc, những hoạt động giao thương, mua bán trao đổi. Đặc biệt những hình thức cúng bái, những nghi lễ.
 

Theo ông Trần Vân Hạc, qua hệ thống ký tự, hình vẽ có thể hiểu được nguyên lý âm dương trong đời sống của người Pà Thẻn:

 

“Ví dụ, cũng là bãi chăn thả gia cầm, gia súc, hai con gia cầm đi thì bao giờ cũng là một con to, một con nhỏ, con đực, con cái. Từ một việc tưởng chừng rất nhỏ như thế, người ta lại hiểu được mối quan hệ âm dương, rồi giao hòa giữa thiên, địa nhân cũng có. Người ta cũng vẽ được những hình vẽ là ma. Nhưng ma ở đây cũng gần giống với mặt trời. Trong một hình điển hình nhất, có hình vuông, có cổng chào đi vào, có thần mặt trời, có mặt trăng. Ma có ma tốt, ma xấu. Người ta có thể hiểu là thần, hoặc ma quỷ chẳng hạn. Khoảng cách giữa con người không nhiều. Bởi vì, trước khi vào làng, vào nhà ma còn có chỗ để rửa chân. Tức là ma cũng giống như một người khách ở nơi khác đến với người Pà Thẻn thôi. Cái chữ sơ khai nó có cái hay riêng như thế”.


Tuy nhiên, theo nghiên cứu của TS Nguyễn Mạnh Cường, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu tôn giáo – Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, hệ thống ký tự, hình vẽ trong 2 tập tài liệu tìm thấy ở Hà Giang và Tuyên Quang chỉ là những ký hiệu dành cho các thầy mo, thầy cúng.
 

“Đấy là những ký hiệu rất riêng dành cho các thầy mo, thầy cúng của người Pà thẻn. Tín ngưỡng người Pà thẻn rất phong phú. Họ thờ ma, thờ trời, thờ tất cả các sinh vật. Đó là một tín ngưỡng thờ tự nhiên, mọi vật đều có hồn của nó. Người Pà Thẻn thờ những hiện tượng tự nhiên. Sau khi quan sát, tôi nhận thấy đấy là những tài liệu và là những ký hiệu để thầy cúng người Pà Thẻn biết rằng nếu bây giờ mình lễ cái lễ này thì chúng ta sử dụng chúng như cái bùa. Trong số tài liệu về người Pà thẻn chúng ta có trong tay, tôi đặc biệt quan tâm con dấu mà Bonyfacy – nhà nghiên cứu người Pháp năm 1911 có công bố. Thì con dấu đó có 6 chữ Hán. Tôi không phủ nhận người Pà thẻn có chữ, nhưng với những tài liệu chúng ta hiện có tôi vẫn băn khoăn đấy không phải là chữ của người Pà thẻn” – Ông Cường phân tích.
 

Hệ thống ký hiệu, hình vẽ như phân tích của các nhà nghiên cứu liệu có phải là chữ cổ của người Pà Thẻn hay không, vẫn còn đang được nghiên cứu. 



Lâm Thanh/VOV4 (Ghi)

Hải Huyền bt ct + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC