VOV4.VN - Đối với người Sán Chỉ, Soóng cọ là một sản phẩm tinh thần được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, điệu hát này đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Xây dựng và phát triển các câu lạc bộ hát Soóng Cọ, đặc biệt là trong trường học, đang được huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, quan tâm.
Phòng giáo dục và đào tạo huyện Tiên Yên đã chỉ đạo cho các trường ở khu vực vùng núi, vùng sâu vùng xa đưa các làn điệu dân ca vào để dạy học sinh; mời nghệ nhân ở địa phương hướng dẫn các em vào dịp hè, buổi sinh hoạt câu lạc bộ, chương trình hoạt động chủ điểm hàng tháng ở trường.
Hiện nay, có 2 trường ở xã vùng cao Đại Dực và Đại Thành, trường THPT dân tộc nội trú ở trung tâm huyện tổ chức được câu lạc bộ soóng cọ.
Mỗi dịp cuối tuần, đặc biệt là dịp hè, câu lạc bộ hát Soóng Cọ ở trường hoạt động mạnh
Trường tiểu học và THCS Đại Thành có khoảng 95 học sinh đang sinh hoạt tại câu lạc bộ hát Soóng cọ. Các em học sinh tiểu học, chỉ khoảng 10 tuổi trở lên đã kéo giọng, ngân nga khá hay. Em Nình Moóc Cặn, học sinh lớp 8, vào câu lạc bộ từ tháng 9, đã biết hát khá nhiều điệu Soóng cọ của dân tộc mình.
Học sinh hào hứng tập hát
Hiện nay, một số bài truyền khẩu không được lưu giữ, chưa có hình thức sao chép làm tư liệu. Lớp trẻ dân tộc Sán Dìu nhiều khi không sử dụng thành thạo ngôn ngữ của dân tộc mình nên việc học hát khá khó khăn. Nghệ nhân Nình A Voòng giãi bày: “Rất mong nhà nước quan tâm mở rộng câu lạc bộ, để không bỏ làn điệu dân tộc này. Còn ai học thì tôi vẫn cố giảng dạy”.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tiên Yên, cho biết: “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động này ở các trường vùng sâu vùng xa, nhân rộng ra các đơn vị khác trong toàn huyện”.
Bản sắc dân tộc Sán Chỉ càng được tô đậm hơn thông qua hoạt động của các câu lạc bộ Soóng cọ. Đây là một giải pháp bảo tồn văn hóa dân tộc.
Mỹ Dung/ VOV-Đông Bắc
Viết bình luận