Người Sán Dìu sáng tạo chữ viết cho mình
Thứ tư, 00:00, 14/12/2016

(VOV4) - Theo giới nghiên cứu ngôn ngữ học, ngôn ngữ của người Sán Dìu thuộc nhóm Hán ngữ. Tiếng nói mang âm hưởng, ngữ nghĩa Hán và chữ viết cũng xuất phát từ chữ Hán. Họ dựa vào chữ Hán để tạo ra chữ Hán - Nôm Sán Dìu.

 

Thái Nguyên gần như là điểm cuối trong hành trình di cư sang Việt Nam khi xưa của người Sán Dìu. Ngày nay, ở vùng đất này, cộng đồng Sán Dìu chủ yếu sinh sống ven thành phố, có sự tiếp xúc, giao lưu mạnh mẽ với cộng đồng đa số. Vì thế, tiếng nói của người Sán Dìu ở Thái Nguyên đã có những biến chuyển lớn về mặt ngữ âm so với những người cùng nguồn gốc ở các địa phương khác.

 

Nhà nghiên cứu Diệp Trung Bình cho biết, ngôn ngữ của dân tộc mình gần giống ngôn ngữ của dân tộc Sán Chay: "Người Sán Dìu không như một số tộc người khác là ở mỗi vùng có tiếng nói khác nhau. Người Sán Dìu đồng nhất về mặt ngôn ngữ. Tuy nặng nhẹ một chút nhưng nói hiểu nhau hết, hát giao duyên cùng với nhau được. Ngôn ngữ  thuộc hệ ngôn ngữ Hán - Tạng. Chia nhỏ ra là nhóm Hán. Tiếng này là thổ ngữ Quảng Đông, gần với tiếng dân tộc Sán Chay. Nó không giống tiếng Dao nhưng lại thuộc ngôn ngữ Quảng Đông".

 

Những cuốn sách chữ Nôm của dân tộc Sán Dìu được lưu giữ. Ảnh: baomoi.com

 

Người Sán Dìu ở Quảng Ninh hay Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Bắc Giang đều nói ngôn ngữ giống nhau. Tuy nhiên, ở Thái Nguyên, tiếng Sán Dìu phát âm nhẹ hơn, dễ nghe hơn. Theo ông Bình, tiếng Sán Dìu càng đi vào sâu, từ Đông sang Tây, càng nhẹ đi, ít ảnh hưởng ngôn ngữ Quảng Đông. Người Sán Dìu ở Quảng Ninh nói người Sán Dìu ở Thái Nguyên là Sán Dìu Việt. Tức là  đã bị Việt hoá.

 

Ông Diệp Minh Tài, ở thôn Tam Thái, xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) nói rằng, Sán Dìu Thái Nguyên là Sán Dìu lai Việt: "Giọng nói không khác nhưng từ ngữ chuẩn hơn vì dùng toàn bộ chữ Hán biểu thị. Từ Thái Nguyên trở vào, bởi vì giao thoa văn hóa rồi, từ mới không biểu thị bằng tiếng dân tộc mà dùng tiếng phổ thông luôn. Giống như người Tày Định Hoá ấy, người ta nói đùa 10 câu Tày pha đến 4 câu Kinh. Dân tộc chúng tôi vùng này cũng thế".

 

Trong cuộc sống hàng ngày, bà con sử dụng ngôn ngữ đã được Việt hoá. Chỉ trong những nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thần linh, mới sử dụng ngôn ngữ cổ. Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Quế Loan, thần linh, tổ tiên không chấp nhận ngôn ngữ cúng không phải ngôn ngữ dân tộc mình:

 

"Do tiếp xúc với ngôn ngữ của tộc người khác, ngôn ngữ đồng bào mất dần đặc điểm gốc. Trong quá trình chúng tôi nghiên cứu, việc sử dụng ngôn ngữ tộc người trong thờ cúng ở mức độ tuyệt đối. Giải thích cho điều này, họ cho rằng vừa muốn bày tỏ tình cảm niềm tôn kính với tổ tiên, vừa lý do tín ngưỡng nữa. Trong quan niệm của họ, tổ tiên sẽ không chấp nhận lễ cúng với lời cúng thuộc ngôn ngữ khác".

 

Cùng với chữ Nôm, người Sán Dìu dùng hệ thống chữ cái La tinh để phiên âm, ký âm tiếng nói của mình. Hệ thống phiên âm này cũng thể hiện rõ sự khác nhau trong ngôn ngữ của người Sán Dìu ở Thái Nguyên với các địa  phương khác. Đặc biệt là trong lời các bài hát soọng cô.

 

Bài hát cổ của dân tộc Sán Dìu chép bằng chữ Hán. Nhưng bây giờ người hiểu biết chữ Hán rất ít nên bà con tạm viết ra chữ quốc ngữ, dịch ý là chính. Ông Diệp Minh Tài là người mê soọng cô. Ông giữ được một số bản chép tay phiên âm các bài hát của dân tộc. So sánh lời bài hát soong cô của người Sán Dìu ở Thái Nguyên với Quảng Ninh, Bắc Giang, ông thấy người Sán Dìu ở Thái Nguyên dùng nhiều từ Hán Việt hơn. Trong khi đó, ở các địa phương khác, lời bài hát hầu như giữ nguyên gốc Hán.

 

Ông Tài cũng từng đi giao lưu hát dân ca Sán Dìu ở Bắc Giang, Quảng Ninh,i Vĩnh Phúc. Ông bảo ngôn ngữ Sán Dìu ở các địa phương này, từ con chữ đến phiên âm giống nhau, chỉ khác nhau ở âm phát ra, chứ không có sự khác biệt nhiều như ở Thái Nguyên:

 

"Soọng cô Thái Nguyên giọng đi khác một tí so với giọng bên Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc đi giọng dài hơn 1 chút. Thái Nguyên đi thẳng vào đề của từ ngữ đó luôn. Bên Bắc Giang lại đi ngắn hơn. Giống như dân ca Bắc bộ khác một chút so với Nam bộ, Trung bộ. Cùng hát một bài nhưng giọng khác nhau". 


Người Sán Dìu không có chữ viết riêng nguyên gốc. Bà con đã sáng tạo ra chữ Hán-Nôm Sán Dìu trên cơ sở chữ Hán cổ và phiên âm bằng chữ cái La tinh để dễ đọc. Các thế hệ người Sán Dìu ở Thái Nguyên nói riêng và trong cả nước nói chung luôn có ý thức giữ gìn, phổ biến ngôn ngữ dân tộc mình để thế hệ sau tiếp tục bảo tồn.

 

 

Hà Thảo/VOV1

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC