(VOV4) - Người Thái là một trong 3 dân tộc ở nước ta có chữ viết từ rất sớm. Ở Việt Nam hiện có tới 8 bộ chữ Thái cổ, với hàng nghìn cuốn sách viết bằng 8 loại hình ký tự này, ở tất cả các lĩnh vực.
Trong một cuốn sách cổ của người Thái, ghi lại những lễ nghi cúng tế, có bài điểm tháng mà các thầy mo hát điểm 12 tháng trong năm, cầu mưa thuận gió hòa. Lời văn bóng bẩy, trau chuốt.
Tháng một là tháng giêng
Người đội nón cưỡi ngựa coi non
Mưa cùng sương ướt giỏ mái gianh
Nắng vàng tỏa xuống núi sông
Tháng có ngày giáp dần, ất mão
Đàn vẹt mừng chùm si
Đùa giỡn nhau ca hót đầy cành...
Chữ viết cổ người Thái. Ảnh: baomoi.com
Ông Hoàng Trần Nghịch, hiện sống ở tỉnh Sơn La, đã nghiên cứu về văn hóa dân tộc Thái hơn 40 năm nay. Theo ông Nghịch, trước khi Pháp xâm chiếm, nước ta chỉ có 3 dân tộc có chữ, là dân tộc Kinh, dân tộc Thái và dân tộc Dao. Theo cuốn Quan Tô Mương (kể chuyện Mường) thì chữ Thái Đen dòng Tạo Xuông, Tạo Ngần ở Mường Lò (nay là huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) đã có từ thế kỉ thứ 6.
“Tuy rằng có chữ từ thế kỷ thứ 6, nhưng lại không có trường học. Người biết dạy cho người không biết, cha dạy cho con, con dạy cho người khác, cứ thế kế tiếp nhau. Vì thế chữ Thái cổ không bị diệt vong, vì nó đã được ghi lại trong các sách tâm linh của người Thái, lưu lại trong sổ sách” – ông Nghịch nói.
Theo các nhà sử học và dân tộc học hàng đầu ở nước ta thì chữ Thái cổ là thể loại chữ Khoa Đẩu có từ thời kì Hùng Vương. Chữ Khoa Đẩu là kiểu chữ tượng thanh, trái ngược với chữ Hán là chữ tượng hình.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra 8 bộ chữ Thái cổ. Đó là: chữ Thái Đen ở các huyện thuộc tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai; chữ Thái Trắng ở huyện Phong Thổ; Chữ Thái Trắng ở huyện Mường Lay, Mường Tè (Điện Biên); chữ Thái Trắng ở huyện Phù Yên (Sơn La); chữ Thái Trắng ở huyện Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu, Đà Bắc (Hòa Bình); chữ Thái Đen – Tay Thanh ở miền Tây Nghệ An và Thanh Hóa; chữ Thái ở Quỳ Châu (Nghệ An) và chữ Thái hệ Lai Pao ở Tương Dương (Nghệ An).
Cả 8 loại hình ký tự này đều xuất phát từ một gốc chữ Sancrit, thông qua mẫu tự Khmer. Đây là phương tiện ghi chép lại lịch sử, các thông tin về kinh tế - xã hội của người Thái trong lịch sử.Riêng tại Bảo tàng tỉnh Sơn La hiện có gần 1.100 cuốn sách chữ Thái cổ. Những cuốn sách này được viết bằng mực Tàu trên loại giấy Dó mà người Thái tự sản xuất. Cuốn bé nhất có kích thước 15x15cm; cuốn lớn nhất kích thước 50x30cm.
Ông Hoàng Trần Nghịch cho biết hiện nay, ở tỉnh Sơn La chỉ có khoảng 4 người đọc thạo và hiểu được chữ Thái cổ, “bởi vì, một, là nó viết liền tù tì, phụ âm cuối của âm tiết trước có thể trở thành âm tiết đầu của chữ sau. Hai nữa, là nó có nhiều từ cổ nên rất ít người đọc được lắm”.
Chữ Thái cổ vốn khó đọc, phải là người am hiểu chữ nghĩa thì mới phân biệt được. Tuy nhiên, theo Phó giáo sư - Tiến sỹ Hoàng Lương, nguyên Chủ nhiệm Chương trình Thái học Việt Nam, một người con dân tộc Thái, thì đọc được và hiểu được chữ Thái là hiểu được “tâm hồn Thái” và “tâm lý Thái”:
“Cách viết của chữ Thái là thế, không chỉ chữ Thái Việt Nam đâu mà chữ Thái Lan, chữ Lào cũng vậy, cũng viết liền tù tì thế thôi. Nhưng khi anh hiểu nghĩa của nó thì anh sẽ dứt được từng câu từng chữ. Thanh niên bây giờ không biết tâm hồn Thái và tâm lý Thái nó nằm ở trong từng từ, từng chữ, từng nghĩa một. Hoặc là đúng hơn anh không hiểu được tâm hồn Thái thì anh không bao giờ đọc chuẩn xác được. Nghĩa là anh phải có cái phông, cái nền văn hóa, anh đọc chữ Thái hoặc học chữ Thái mới dễ hơn” – theo PGS-TS Hoàng Lương.
Thanh Nga-Cầm Thu/VOV4
Viết bình luận