(VOV4) - Sáo cúc kẹ của người Xa Phó còn gọi là sáo mũi, là loại sáo ngang được làm bằng nứa kẹ và chỉ có một lỗ duy nhất.
Bắt chước kiến làm sáo
Các cụ cao niên trong làng kể rằng, cách đây hàng thế kỷ, cụ tổ làm ra cây sáo cúc kẹ, trong lúc đi rừng gặp một trận mưa lớn, bèn trú chân ở một khóm nứa. Gió rừng thốc mạnh, bỗng đâu nghe văng vẳng một thứ âm thanh lạ. Cụ kiếm tìm thì phát hiện thứ âm thanh ấy phát ra từ lỗ thủng trên một cây nứa do đàn kiến đục từ bao giờ. Tại lỗ thủng ấy, cứ mỗi lần có gió đập lại phát ra tiếng sáo nhẹ nhàng, trong veo, nghe rất êm tai. Và cây sáo cúc kẹ ra đời từ đó.
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh là người Xa Phó duy nhất ở Châu Quế Thượng hiện còn biết thổi cây sáo mũi này: “Cây nứa này là cây nứa do con kiến nó đục ra. Tiếng gió thổi vào ống nứa, người dân Xa Phó bắt chước thổi. Người dân Xa Phó làm gì biết thổi sáo như các dân tộc khác, chỉ học theo cái lỗ con kiến thôi”.
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh thổi sáo mũi bên bờ suối. Ảnh: Giadinh.net.vn
Ngày trước, người Xa Phó phải vào tận rừng sâu, hay lên tận ngọn đồi, ngọn suối để tìm những cây nứa kẹ già về làm sáo. Những cây nứa kẹ có hoa, có mắt, chưa phân nhánh, ruột thẳng, vỏ thật mỏng, bên trong có nhiều màng trắng mới phát ra âm thanh hay. ThS Nguyễn Mạnh Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Văn hóa dân gian tỉnh Yên Bái, bảo, có khi cả trong cả chục bụi nứa người ta mới tìm chọn được một cây kẹ tốt, hay cả vài năm mới tìm ra được mấy ống kẹ hay.
“Người ta chỉ lấy một ống duy nhất là cái đốt cách gốc trở lên khoảng độ hai đốt. Và một cây chỉ lấy được một đốt, một ống thôi. Cây kẹ này nhiều năm mới có một cây. Nó là cây già, cây đanh, cây nhỏ trong búi nứa, to hơn đầu ngón tay cái một tí. Do đó tìm được một ống thì cũng rất là khó khăn”.
Kẹ phải già, âm sắc của sáo mới chuẩn
Có được kẹ, người ta phải phơi ít nhất nửa tháng cho nứa thật khô, thật già để âm thanh cây sáo khi thổi không bị biến dạng. Hoặc treo trên gác bếp để kẹ co hết độ tươi mới đem ra làm sáo.
ThS. Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Ngày xưa, trong những bụi nứa đốt mà cháy dở hoặc đốt cháy hết rồi thì trơ lại những ống kẹ còn lại ở gốc dưới thì người ta lấy về. Nó cũng đã khô, giúp cho người ta có những ống kẹ như ý rồi. Nguyên tắc khi làm cây sáo là phải khô mới tạo ra âm thanh chuẩn”.
Làm sáo cúc kẹ không hề đơn giản, không phải ai cũng biết làm. Mỗi cây sáo dài chừng 60cm. Hai đầu kẹ đều bịt kín bằng các mấu của cây. Công việc đầu tiên và cũng là công việc khó khăn nhất quyết định sự thành công khi chế tác là tạo lỗ thổi. Tại đầu kẹ được chọn để thổi, người ta lấy con dao thật sắc, một tay giữ kẹ, một tay cầm dao bào nhẹ cho đến khi đầu kẹ mỏng như sợi bánh đa thì việc làm sáo coi như hoàn tất.
“Bản chất cây nứa là rỗng ruột, ở đầu của nó người ta sẽ tạo một màng âm thanh rất mỏng bằng dao. Khi ta làm mà không cẩn thận, quá tay lại phải vứt đi. Họ dùng dao sắc bào nhẹ nhàng, nhẹ nhàng để khi đạt được độ mỏng của màng hơi, khe hơi, khi thổi vào đấy nó sẽ phát ra âm thanh rất đanh. Còn nếu quá tay lại mất cái màng đấy đi cũng không thành sáo, hoặc dày quá thì chưa tạo ra âm thanh. Cái đấy là cái quyết định” – anh Hùng cho hay.
Có lẽ vì việc tạo lỗ công phu như thế mà đôi bàn tay chai sần của nghệ nhân Đặng Thị Thanh chằng chịt những vết dao. “Khoét lỗ, ối giời ôi, lâu lắm, đau hết cả tay đấy. Mỗi lần mình gọt một ít, gọt một ít nó mới thành lỗ, chứ không phải mình gọt một cái là thành lỗ được” – chị Thanh quả quyết.
Làm sáo phải… bí mật
Không chỉ lựa chọn kẹ tỉ mẩn, cẩn thận, một nguyên tắc bất di bất dịch khi đi tìm nguyên liệu của các nghệ nhân làm sáo là tuyệt đối bí mật. Khi mang nứa về phải bó kín trong lá chuối rừng. Ai hỏi cũng phải giữ kín. Đồng bào quan niệm nếu chẳng may bị phát hiện thì việc đi rừng tìm kẹ sẽ không được suôn sẻ, có thể gặp bất trắc. Hoặc giả như tìm được nứa thì “hồn” sáo cũng bay đi mất, cây sáo có làm ra cũng chẳng thể dùng.
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh chia sẻ từ chính công việc của mình: “Tôi vào khe núi, nương, chung quanh nhà, gốc cây không ai đi lại, mình ngồi đấy làm thôi. Ngày xưa các cụ không chặt mang về đâu. Các cụ chặt cái nào là đi vào rừng sâu, rừng xa để làm”.
Chế tác sáo đã khó, việc sử dụng sáo lại càng không phải là điều dễ dàng. Khi thổi, tay trái người thổi đỡ phần cuối cây sáo, tay phải đặt gần đầu sáo rồi từ từ đưa lên mũi. Hoàn toàn không có lỗ chỉnh âm nên hơi phát ra từ lỗ mũi của người thổi sẽ quy định âm điệu của tiếng sáo. Vì thế, người thổi sáo mũi phải có làn hơi dày, đều, phải biết tiết chế hơi từ bụng, làm sao cho âm thanh thoát ra nhẹ nhàng, tiết tấu lên xuống theo từng âm điệu của bài dân ca Xa Phó.
Xưa, khi nứa kẹ còn nhiều, các nghệ nhân biết làm sáo chưa về với đất, tiếng cúc kẹ văng vẳng theo những mùa nương. Giờ, rừng được quy hoạch, nứa kẹ không còn. Cúc kẹ cũng vì thế hiếm dần.
Đỗ Quyên/VOV4
Viết bình luận