(VOV4) - Truyền thuyết tiêu biểu về nguồn gốc sự sống loài người được ghi lại trong sách sử của dân tộc Thái như "Quam tô mương", "Táy pú xớc", các áng thơ "Mo khoăn", "Páo khoăn" và các bài cúng "Đưa hồn người chết"... đã chứng minh người Thái sinh sống ở Việt Nam và có chữ viết từ rất sớm.
Ông Cà Chung, người đã có nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm về nguồn gốc và sự phát triển của người Thái ở Việt Nam, cho rằng: các truyền thuyết nói về người Thái đen đều có nguồn gốc từ Mường Ôm, Mường Ai, từ đầu nguồn sông Đà và sông Hồng, do Tạo Xuông và Tạo Ngần dẫn người Thái đến Mường Lò.
Có truyền thuyết cho là Then đã cho hai Tạo đem tám quả bầu và mười cột chống trời xuống xây dựng đất Mường Lò. Vì ngày xưa trời rất thấp, làm gì cũng vướng, nên phải có cột để chống. Hai tạo đã chia các quả bầu đi rải khắp nơi. Trong quả bầu có mọi thứ giống, trong đó có cả ba trăm ba mươi họ giống người. Nhưng cũng theo các tư liệu đó, người Thái lại nói rằng nguồn gốc của họ sinh ra từ nơi "đất bảy vùng, núi ba hòn, nước chín dòng, cửa Đà - Thao".
Theo ông Cà Chung, dù là truyền thuyết, nhưng nguồn gốc ra đời của người Thái, nếu xét kỹ, thì có một số điểm trùng khớp với lý giải của các nhà khoa học:
"Ngày xưa người Thái mình sinh ra ở vùng ven vịnh đồng bằng bắc bộ, biển chiếm hết, ngập hết, chỉ có một vịnh sâu vào gọi là vịnh Hà Nội. Các nhà địa chất cũng nói có thời kỳ đồng bằng bắc bộ trở thành vịnh Hà Nội. Người Thái xuất hiện vào thời gian đấy, mà người ta nhìn sang bên kia là trời, người ta nghĩ muốn lên trời phải qua cái chỗ nước này mới lên được thế mới nói là “nặm tà khái” đấy".
Quam tô mương của người Thái viết bằng chữ Thái cổ. Ảnh: dantri.com
Theo lý giải của các nhà nghiên cứu, người Thái có mặt ở Việt Nam từ thế kỷ thứ IX. Tuy nhiên đến thế kỷ thứ XII mới bắt đầu phát triển và được ghi lại rõ nét trong sử thi Quam tô mương. Quam tô mương có nghĩa là “Chuyện kể bản mường của người Thái”, ghi lại quá trình dòng tộc Lò Lạn Chượng xây dựng và cai quản vùng Tây Bắc Việt Nam từ thế kỷ XII đến thế kỷ XX, trải qua hơn 40 đời.
Ở một khía cạnh khác, Quam tô mương được ví như gia phả của từng dòng họ, được các mo mường ghi chép lại: "Người ghi Quam tô mương chính là những mo mường nắm giữ lịch sử. Người ta ghi chép từ thời ông Lạn Chượng, chứng tỏ ông Lạn Chương đi đến đâu thì họ đã đi cùng"- ông Chung nói.
Lý giải về việc ở phần sau của Quam tô mương, mỗi vùng, mỗi mường kể mỗi khác nhau, ông Cà Chung phân tích: "Phần đầu của Quam tô mương thì giải thích về nguồn gốc loài người, người ta dựa vào truyền thuyết. Còn viết trực tiếp thì thời ông Lạn Chượng bắt đầu viết. Sau khi ông Lạn chượng mất đi thì đời sau người ta viết tiếp vào những cái đó, nên Quam tô mương khởi đầu thì giống nhau hết, nhưng mà ở Mường Muổi, Mường La, Mường Thanh thì nó khác nhau ở đoạn cuối".
Trong bài “Vài suy nghĩ về Quam tô mương” của ông Lò Văn Lả nêu: phần chính của Quam tô mương kể tới hơn 40 đời thủ lĩnh cũng là hơn 40 đời người sinh sống ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Trong đó có ba thủ lĩnh nổi tiếng trong lịch sử, đó là Lò Lẹt mang biệt hiệu Ngu Háu, ghi và đọc theo âm Hán - Việt là Ngưu Hống. Ông này đã có công phát triển Mường Muổi trở thành trung tâm và dần dần thu phục các mường khác.
Thứ hai, là ông Ta Ngân, là cháu đích tôn của Lò Lẹt, đã tiếp tục sự nghiệp của cha ông, đưa Mường Muổi Chiềng Pha thực sự trở thành trung tâm quy phục các mường lớn nhỏ của vùng Tây Bắc Việt Nam. Là bầy tôi của triều đình, ông đã đem tất cả vùng đất này quy thuận chính quyền phong kiến trung ương tập quyền Việt Nam và đã hoàn thiện tổ chức xã hội theo mô thức bản mường của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam thế kỷ XVIII.
Thứ 3, là ông Bun Phanh. Ông đã có công tổ chức lực lượng quét giặc Giẳng ra khỏi bờ cõi, khôi phục lại vùng mang tên Mười Sáu Châu Thái được xây dựng từ thời Ta Ngân. Ông đã được "vua Kinh tin dùng, vua Lào mến phục". Vua Lê Hiến Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) phong chức Gia Ngãi (tức Gia Nghĩa) tướng quân, vua Lào phong là “Phìa Minh lớn, chiến thắng nổi sấm gầm”.
Ngoài ba vị rất nổi tiếng vừa nêu, Quam Tô Mương còn kể đến cuộc nổi dậy chống quân xâm lược Pháp của người Thái thời kỳ đầu đứng trong phái chủ chiến của quan đại thần Tôn Thất Thuyết. Nghĩa quân của bản mường Tây Bắc đã tham gia hai trận đánh nổi tiếng trong lịch sử. Một, là giết chết viên đại uý Phrăngxi Gacniê vào ngày 21/12/1873. Hai, là giết chết tên đại tá tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ là Henri Rivière ngày 19/5/1883. Trong trận chiến đấu này nổi lên những nhân vật lịch sử như Đeo Văn Toa (Phong Thổ, Lai Châu), Xa Văn Nọi, Hà Văn Pâng (Mộc Châu, Sơn La).
Thời kỳ tiếp theo là cuộc khởi nghĩa lớn từ năm 1914 đến năm 1917. Người Thái đã phối hợp với người Hoa chống ách thống trị của thực dân Pháp, trong đó có một số vị anh hùng liệt sỹ là người Thái như Bạc Cầm Châu, Lương Văn Nó, Lương Văn Hôm và Cầm Văn Tứ. Riêng anh hùng liệt sỹ Lương Văn Hôm và Cầm Văn Tứ, sau khi bị thực dân Pháp bắt giam cầm tù ở Thái Nguyên đã tham gia cuộc khởi nghĩa do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo và hai vị đã tử trận tại nơi này.
Có một điều dễ nhận thấy, trong sử thi Quam tô mương, các lão bản, lão mường của người Thái có vị trí rất quan trọng trong việc cai quản bản mường và tiến cử Chẩu mường, tức chủ mường. Tạo Chẩu mường nào mà được lòng dân, được các bô lão tin cậy, biết chăm sóc đời sống dân chúng, biết giữ gìn bản mường yên vui, thì rất được tôn trọng và được tín nhiệm làm Chẩu mường lâu dài.
Hoài Thu/VOV4 (TH)
Viết bình luận