Nhà mồ - công trình nghệ thuật độc đáo của người Cơ tu
Thứ tư, 00:00, 19/08/2020 Hải Huyền Hải Huyền
VOV4.VN - Ở nhà mồ, nghệ thuật tạo hình, hội họa, tài hoa của người thợ Cơ tu thể hiện rõ nét.

Nhà mồ của người Cơ tu gồm 2 phần: kiến trúc quan tài và kiến trúc nhà mồ. Tất cả đều được làm bằng gỗ, được điêu khắc, tô vẽ đa dạng hình tượng. Nhìn vào đó bạn có thể đoán được tính cách, vị thế của chủ nhân nhà mồ.
Theo già Príu Pố, người Cơ tu ở xã A tiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam Người Cơ tu quan niệm: chết không phải là hết. Chết là bước sang thế giới khác, tiếp tục cuộc sống mới. Vì thế phải chuẩn bị cuộc sống mới cho người đã khuất.

"Người Cơ tu cho rằng: con người mình chết đi, đó chỉ là thân thể mình chết thôi nhưng hồn của mình vẫn còn thì cái hồn sẽ được hưởng cái đó. Cái hồn người được hưởng cái đó sẽ khoe mình với hồn người chết khác là tôi có cái nhà mồ đẹp như thế. Chính vì thế, chỉ có những người giàu có, nhiều trâu, nhiều bò, nhiều lúa, nhiều gạo, chuẩn bị 5 – 6 năm trời mới làm nổi nhà mồ như thế. Nếu nghệ nhân làng anh mà không đảm đương nổi về mặt kỹ thuật phải thuê người khác, làng khác tới. 

Mời các bạn cùng ngắm kiến trúc nhà mồ trong quần thể làng truyền thống Cơ tu ở xã A tiêng, Tây Giang Quảng Nam - ngôi làng được Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam trao bằng chứng nhận bảo trợ di sản.


Nhà mồ mái dốc với những hoa văn hình vuông tô màu đỏ, xanh, trắng, hai bên đầu hồi là hình ảnh hai đầu gà trống oai phong hướng về hai phía. Toàn bộ ngôi nhà được đỡ bởi 4 chiếc cột tròn, 2 chiếc xà ngang vươn qua mái là hai con trăn dữ dằn như muốn nuốt chửng người tiếp cận. 

Xung quanh cột nhà người ta trạm trổ nào ba ba, rắn, cá sấu, kỳ đà, chim ching, rồi đặt những bức tượng hình người già có, trẻ có, người buồn, người khóc, người vui hội đánh chiêng, hát lý, đâm trâu. Già Bríu Pố nói: ở nhà mồ, mọi sinh hoạt, lao động sản xuất, cuộc sống thường nhật của người Cơ tu sẽ được các nghệ nhân tái hiện sinh động qua một loạt những hình tượng điêu khắc khéo léo của nghệ nhân.


Hình ảnh rắn, ba ba dữ tợn trên cột trụ nhà mồ


Trong nhà mồ điêu khắc con trâu, con gà, có con chó, người buồn, người đang ngồi khóc, đồng thời người đánh trống, đánh chiêng, người vui cũng có, hát lý, nói lý cũng có. 


Hình ảnh con rồng a doóc mình rắn, đầu gà trống, đuôi như cá được khắc họa ngay bên mặt trước và mặt sau nhà mồ là một biểu tượng mang tính giáo dục. 


Nó đại diện cho thần nước chuyên trừng phạt mọi sự xấu xa, bảo vệ bình an cho dân làng cũng như linh hồn người quá cố.

Dễ nhận thấy nhất quanh ngôi nhà mồ là rất nhiều mặt nạ dữ tợn, tô màu đen, đỏ. Người Cơ tu gọi là K’pây.


Người già bảo rằng, những chiếc mặt nạ ấy được đục đẽo nhằm xua đuổi ma tà, ngăn chặn những điều xấu xa xâm nhập, bảo vệ linh hồn cho người quá cố. 


"Ý của họ điêu khắc cái k’pây này là người nào càng điêu khắc càng xấu bao nhiêu, càng ghê rợn, càng sợ sệt bao nhiêu, thì càng đạt yêu cầu bấy nhiêu. Mục đích người ta điêu khắc k’pây này là xua đuổi ma tà. Ma tà không vào nhà mồ quấy rầy hồn của người chết". - Già Príu Pố cho hay.

Bên trong nhà mồ ấy là chiếc quan tài thuôn dài bằng gỗ đựng hài cốt. Mặt dưới để mộc, mặt trên tô vẽ hình ba ba, kỳ đà, hình tròn, hình hoa màu vàng, màu đỏ. 

Hai bên đầu quan tài là hai chiếc đầu trâu với những nét khắc công phu của người thợ. 


Hoa văn điêu khắc trên quan tài


Những nét điêu khắc thể hiện sự khéo léo của người thợ


Anh A Ra Nhất, nghệ nhân điêu khắc của xã A Vương, huyện Tây Giang cho biết, nhà mồ được coi là bộ mặt của chủ hộ. Người có địa vị, giàu sang, có tài giỏi hay không chỉ cần nhìn qua nhà mồ là có thể đoán được. 

"Trong nhà mồ có các loại: Ví dụ, lúc trước ông sống, mà ông kiếm được cái gì mình hãy điêu khắc cái đó. Như đi săn chẳng hạn. Ví dụ ông kiếm được con hổ, con báo thì mình điêu khắc loại nớ thôi. Ý là mình nhớ lại lúc trước thời ông có mặt. Đó thể hiện sức mạnh, lòng dũng cảm của con người. Trong nhà mồ mà nhiều điêu khắc, người đó một là ông già làng hoặc là người cũng có tên tuổi trong làng đó mới có một nhà mồ như thế. - Anh A Ra Nhất giới thiệu.


Để làm được một công trình nhà mồ như thế phải là người thợ tài hoa. Khi xưa, chiếc quan tài ấy chính là món quà cưới cao quý để người con rể tỏ lòng hiếu với bố mẹ vợ.

Lâm Thanh/VOV4

Hải Huyền

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC