(VOV4) - Hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp sáng tác, nhạc sỹ Mùi Hái, dân tộc Mường, đã cho ra đời gần 200 tác phẩm âm nhạc. Những tác phẩm của Mùi Hái đa dạng về màu sắc và mang âm hưởng dân ca các dân tộc, dễ đi vào lòng người.
Sinh ra và lớn lên ở xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, từ nhỏ, Mùi Hái đã say sưa với những điệu nhạc của núi rừng quê mình. Năm 20 tuổi, ông chính thức bước vào con đường sáng tác nghệ thuật. Cái duyên âm nhạc đến với ông một cách tình cờ, bởi ông thấy quê hương, con người, dân tộc mình thân thương và đẹp quá!
Tình yêu ấy cho ông động lực đăng ký tham gia lớp âm nhạc ở huyện Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái vào năm 1970, và sau này là lớp trung cấp sáng tác ở Hòa Bình từ năm 1976-1980.
Ngay trong năm đầu học nhạc, ông cho ra đời tác phẩm đầu tay “Tình ca Hưn Mạy”. Khi ra trường, nhạc sỹ Mùi Hái về công tác tại đoàn ca múa Sơn La, nay là nhà hát ca múa nhạc dân tộc Sơn La. Năm 1992 ông tiếp tục theo học tại khoa sáng tác, Nhạc viện Hà Nội. Từ năm 1997 đến nay, ông chuyên sáng tác và dàn dựng các bài nhạc múa cho các chương trình lớn của tỉnh.
Nhạc sĩ Mùi Hái
Sau 40 năm, ông viết hơn 150 bài hát và gần 50 bản nhạc múa. Những sáng tác của Mùi Hái mang đậm hơi hướng dân ca.
Ông bảo: để có được những tác phẩm hay đã khó, các tác phẩm hay viết cho đồng bào dân tộc thì lại càng khó hơn. Bởi những sáng tác đó phải phù hợp với văn hóa, mang đậm tính vùng miền và hơn hết, phải gần gũi với chính cuộc sống của đồng bào.
Những tác phẩm xuất sắc nhất của nhạc sỹ Mùi Hái là Bến vạn tình yêu, Hương chè Tà Xùa, Tình ca bên cối ngàn, Đường về bản em, Tình ca Hưn mạy... Là người con của đất Mường nhưng không chỉ dành tình cảm cho những nét đẹp của người Mường, nghệ sỹ Mùi Hái sáng tác nhiều ca khúc cho các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú... Khi đã được xem như người một nhà, thì những sáng tác của ông là tâm sự, là tiếng lòng của chính đồng bào dân tộc thiểu số quê hương Sơn La:
"Sống với đồng bào, sinh hoạt với đồng bào thì mình mới cảm nhận được cuộc sống của họ, mới nói được tâm tư nguyện vọng của họ. Sáng tác bằng tiếng Việt xong thì mình hát lên đúng giai điệu của họ, họ chấp nhận giai điệu rồi, muốn hát bằng tiếng Thái, tiếng Khơ mú, tiếng Mông thì phải nhờ người am hiểu. Sáng tác xong, dạy họ mà họ hát được luôn, họ rất quý".
Nhạc sỹ Mùi Hái trăn trở, hiện tại, đội ngũ sáng tác người dân tộc thiểu số quá ít, nhiều tác phẩm chỉ có tính chất hô hào, rồi chìm vào lãng quên. Rồi, ông lại lo xa rằng: chỉ một thời gian nữa thôi, chắc sẽ chẳng còn ai có những tác phẩm hay về núi rừng, về con người Tây Bắc nữa.
"Hiện nay các nhạc sỹ lấy âm hưởng miền núi thôi, chứ không phải chính dân tộc của họ. Lấy âm hưởng của người miền núi nói chung để sáng tác thành một tác phẩm người ta cho đấy là âm nhạc dân tộc nọ, dân tộc kia, mà không phải. Cho nên nó không sống được với đồng bào.
Tôi mong muốn các nhà quản lý, các trường nên ưu ái những người dân tộc có năng khiếu về sáng tác, mặc dù không nhiều, nhưng chắt lọc năng khiếu và cử họ học tốt hơn là thi, người dân tộc thi thì ít khi vào được các trường lớn như Học viện Âm nhạc Quốc gia. Tôi nhớ tôi là người cuối cùng học sáng tác ở Học viện Âm nhạc Quốc gia là người dân tộc thiểu số" - nhạc sĩ Mùi Hái ngậm ngùi.
(Bài hát mà bạn đang nghe là bài “Tình ca Hưn Mạy”)
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận