Ông Bí thư đi dạy đánh mã la
Thứ tư, 00:00, 30/03/2016

(VOV) - Ông Tà Thía Banh, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hà, là 1/9 nghệ nhân của tỉnh Ninh Thuận được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú năm 2015. Ông có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Raglai, nhất là truyền dạy nhạc cụ mã la.


Dù bận bịu với công việc của một Bí thư Đảng ủy xã (xã Phước Hà, Thuận Nam, Ninh Thuận), nhưng mỗi tuần 2 buổi vào chiều thứ năm và thứ sáu, ông Tà Thía Banh lại đến Trường Trung học cơ sở Phước Hà dạy cho học sinh Raglai đánh mã la. Khi nhà trường phát động phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, ông Tà Thía Banh đề nghị trường đưa nhạc cụ mã la vào dạy cho các em.

 

Nghệ nhân ưu tú Tà Thía Banh ước mơ: "các em say mê, hâm mộ nhạc cụ mã la và các loại khác để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Raglai”.


32.jpg

Các em học sinh được dạy cách đánh mã la của dân tộc mình. Ảnh:baomoi.com


Khi được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú, ông thấy đó không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm của bản thân. Chính vì vậy, ông luôn hướng dẫn các em hiểu rõ ý nghĩa của từng bài mã la trong các lễ hội truyền thống của người Raglai. Chỉ trong thời gian ngắn, nhưng ông Tà Thía Banh đã dạy cho các em 5 bài mã la cổ. Những bài mã la này, nhà trường sẽ chọn trình diễn trong các ngày lễ do trường tổ chức.

 

Thầy Thuận Văn Lợi, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phước Hà, cho biết: “Nghệ nhân Tà Thía Banh rất nhiệt tình trong công tác giảng dạy, kết hợp với nhà trường tổ chức 2 lớp để các em tiếp thu được nhạc cụ mã la. Đối với các em học sinh, một số em có am hiểu về nhạc cụ, các em dễ tiếp thu, và học được cách sử dụng nhạc cụ mã la”.

 

Những lo lắng của ông Tà Thía Banh lâu nay về sự mai một của nhạc cụ truyền thống phần nào được giải tỏa khi ông nhận thấy sự ham thích từ con em dân tộc mình. Từ chỗ chỉ có thể nhìn người lớn đánh mã la, chơi các loại nhạc cụ trong các dịp lễ hội, giờ đây, học sinh Trường Trung học cơ sở Phước Hà có thể sử dụng những nhạc cụ truyền thống và tự tay tạo nên những thanh âm độc đáo, vốn là nét đẹp cần được gìn giữ trong văn hóa Raglai.

 

Việc đưa Mã la vào giảng dạy trong trường học đã truyền cho các em cảm xúc về âm nhạc dân gian và gắn bó với văn hóa dân tộc mình. Những giờ học đánh mã la tại trường đã giúp các em thấy thoải mái và yêu mến trường lớp như ngôi nhà của mình. Còn đối với ông Tà Thía Banh, lớp học đánh mã la như là chiếc cầu nối để các em đến gần hơn, hiểu nhiều hơn về văn hóa Raglai truyền thống.




CTV Văn Cảnh, Minh Triều

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC