Sử thi của người Dao hiếm khi được hát
Thứ sáu, 00:00, 14/10/2016 Hải Huyền bt ct Hải Huyền bt ct

(VOV4) - Chỉ có ngành Dao Đại bản, tức ngành Dao Đỏ, cư trú ở Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang và ngành Dao Nga hoàng sinh sống tại Văn Chấn, Yên Bái mới có sử thi. Trong sử thi của người Dao, người đọc tìm thấy những yếu tố lịch sử, hệ thống lễ nghi, văn hóa truyền thống của dân tộc Dao.



Sử thi của người Dao – Nơi bảo tồn văn hóa

 

 

Sử thi của ngành Dao Đại Bản, gồm 36 đoạn hay 36 khúc, mỗi đoạn là những câu thơ có vần điệu với những nội dung khác nhau, phản ánh về lịch sử, cuộc sống cũng như những sinh hoạt văn hóa của dân tộc Dao. 


Ví dụ: “Phàm chiệp lụa tận” tức "Sách Ba mươi sáu đoạn" là tên gọi sử thi của người Dao Nga Hoàng ở huyện Văn Chấn, Yên Bái. Còn sử thi của người Dao Đỏ ở huyện Sìn Hồ, Lai Châu và huyện Văn Bàn, Lào Cai có tên gọi “Sách Bàn Vương đại lộ thư”. Tại Hà Giang, người Dao Đỏ gọi sử thi của mình là “Sách Đại lộ thư”.

 

“Chúng tôi mới phát hiện vùng người Dao ở Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang có sử thi Bàn Vương ca của ngành Dao Đỏ. Chúng tôi tìm thấy 7 cuốn sách cổ ở Văn Bàn, ở Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai), rồi huyện Sìn Hồ, Phong Thổ (Lai Châu) và huyện Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang. Các bản sử thi này, tuy có đặc điểm riêng biệt của từng vùng, nhưng nội dung về cơ bản giống nhau. Nhất là cấu trúc 36 đoạn. Trừ một bản của Bát Xát chúng tôi sưu tầm chỉ được 24 đoạn. Đấy cũng là một dạng rút gọn lại của sử thi người Dao” – TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn Nghệ Dân gian Việt Nam cho biết.

Theo các tác phẩm này, thủy tổ của người Dao là Bàn Vương, hay còn được gọi là Bàn Hồ. Sau khi lập chiến công giết Cao Vương, được Bình Hoàng ban kết hôn công chúa, ông cùng vợ trở về vùng đất Cối Kê (Chiết Giang) sinh sống. Sau này, con cháu Bàn Vương sinh sôi ngày một nhiều, phải phân tán khắp nơi tìm đất sinh sống.

Lật giở từng trang sử thi, người ta thấy rõ sự phong phú trong tôn giáo, tín ngưỡng của dân tộc Dao. Không chỉ có Nho giáo, Đạo giáo, một thời, người Dao cũng chịu ảnh hưởng của  Phật giáo. Đó là câu chuyện Lỗ Ban dựng chùa. Ngôi chùa có 13 Phật. Chùa cháy, cháy cả tượng Phật. Sư khóc, Phật kêu:


“Dựng chùa, Lỗ Ban họp dựng chùa
Mời thợ mộc đến đông vô kể
Chớ nói với nhau lời kỳ lạ
Mới đầu mời thợ đến vạn người

Dựng chùa, Lỗ Ban họp dựng chùa
Lỗ Ban dựng xong, thợ mộc tốt
Bảy con gà vàng, bảy con đen
Từng cây cột nhà đến thượng lương”…



Khi kết hợp cúng Bàn Vương với lễ cấp sắc, cúng rừng, người Dao sẽ diễn xướng sử thi. Ảnh: Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ ở Lào Cai. Nguồn: aprotravel.vn

 

Lịch sử tộc người phản ánh rõ nét qua sử thi

 

 

Đọc sử thi, con cháu người Dao có thể hình dung lịch sử của dân tộc mình, về nơi ở xa xưa của cha ông. Đó là ngọn núi Lư Sơn trùng điệp, cao vút giữa biển khơi. Ở đó, trăm họ lo cày cấy, các nhà sư lo tu hành. Ở đó, rắn nuốt được voi, hạt lúa to bằng quả bí, quả mận lớn phải có hai người khiêng. Những vùng đất như Châu Dương, Châu Kinh, Hồ Nam… xuất hiện trong sử thi được coi là vùng đất cũ trước kia người Dao từng sinh sống:


“Trùng trùng, điệp điệp Lưu Sơn Ngạn
Mênh mang, mênh mang giữa biển khơi”…

... “Gạo của Đại Châu đều gạo ngon
Người của Quý Châu đều người đẹp
Đại Châu sinh sống bảy nghìn hộ
Kho khố thóc nhiều công người làm”…

 

Sử thi của người Dao cũng ghi lại những cuộc đấu tranh của tộc người này chống lại sự đàn áp của người Hán. Mất đất, người Dao phải di cư xuống phía Nam. Đi đến đâu, người Dao cũng quần tụ thành từng bản tại những vùng rộng lớn, đủ đất đai canh tác. Dù ở đâu, họ vẫn thực hiện những nghi lễ linh thiêng theo truyền thống văn hóa dân tộc mình. 

 

Theo TS Sơn, nếu như sách cổ của người Dao là những bài ca răn dạy, bài ca nghi lễ, các bài ca đám cưới hay bài hát giao duyên, riêng sử thi chỉ dùng trong lễ cúng Bàn Vương và chỉ diễn xướng lại 36 đoạn. Mỗi đoạn là một chủ đề khác nhau về cuộc sống của người Dao xưa. 

 

“Trước hết, giá trị về mặt lịch sử, nó góp phần nghiên cứu về lịch sử người Dao. Về giá trị văn học nghệ thuật, đây là một bản sử thi cổ đầu tiên của người Dao được phát hiện, bổ sung thêm kho tàng văn học dân gian phong phú của người Dao. Giá trị thứ ba là giá trị nhân văn, vì sử thi người Dao đề cao tình thương yêu và đạo lý của người Dao. Các sự tích, khi người đọc truyền dạy cho lớp trẻ, người ta được cảm giác sống trong một môi trường giáo dục bằng nghệ thuật ngôn từ rất hấp dẫn”.


Môi trường diễn xướng sử thi các nhánh Dao khác nhau

 


Khi kết hợp lễ cúng Bàn Vương với lễ cúng rừng hay lễ cấp sắc, người Dao sẽ diễn xướng sử thi.

 

Sử thi tồn tại dưới dạng hát kể. Người Dao Nga Hoàng ở huyện Văn Chấn, Yên Bái hát kể sử thi trong lễ Lập tĩnh – nghi thức công nhận người con trai là người trưởng thành. Lễ này có hai loại, một loại làm trong một ngày, một đêm. Loại thứ hai làm trong hai ngày, hai đêm. Và sử thi chỉ được hát trong lễ Lập tĩnh 2 ngày, 2 đêm. 

 

Còn người Dao Đỏ ở Hà Giang lại hát sử thi trong 2 dịp: Hát riêng trong lễ cúng Bàn Vương (Chẩu Đàng) và hát trong lễ Cấp sắc (Quá tăng – Đăng đèn). Đây là nghi lễ có ý nghĩa tương tự như lễ Lập tĩnh, chỉ làm cho người con trai từ 16 tuổi trở lên. 

 

Thông thường, lễ này diễn ra trong 2 ngày, 2 đêm và không hát sử thi. Nhưng nếu một người con trai sắp đến tuổi cấp sắc, mà lại hay ốm đau hoặc gia đình người con trai đó làm ăn không may mắn, xem bói biết phải làm Chẩu Đàng, có thể ghép luôn với lễ Cấp sắc của người con trai đó. Khi ấy, người Dao sẽ hát sử thi với 36 đoạn.

 

“Ở vùng người Dao Đỏ, người ta quan niệm phải 50 năm, thậm chí 3 đời người ta mới làm một nghi lễ cúng Bàn Vương. Và người ta phải hát trong không khí của đêm cuối cùng đêm Chẩu Đàng -đêm cuối cùng cảm ơn Bàn Vương. Trong lễ Chẩu Đàng, người ta dựng tọa ca đường trang trí rất đẹp. 6 ông thầy cùng tham gia”. 

 

 

Tuyến nhân vật gần gũi đời thực

 

Cảnh vật trong sử thi người Dao gần gũi với đời thực, có phần nên thơ, trữ tình. Người ta sẽ không thấy các tuyến nhân vật kiểu anh hùng như đã thấy ở sử thi Tây Nguyên, mà đậm đặc là các nhân vật mang tính chất khai hóa. Như Lỗ Ban làm nhà; Bàn Hoàng tạo ra khung cửi, sợi gai làm vải vóc, làm ra cày; âm nhạc vốn do Ngũ Lang tạo… Tất cả các anh hùng đều gần gũi với con người.

Và đặc biệt, ước mơ, khát vọng của người Dao Đỏ đặt trọn ở vùng Đào Nguyên – nơi được coi là xứ sở thần tiên của người Dao. Ở đó, con người được sống bình đẳng, no ấm. Họ cũng ước mơ được sống tại vùng đất học Lư Sơn, nơi trẻ em được học hành đầy đủ, từ đó nên người. 

 

“Bây giờ rất ít người biết đến sử thi, vì mỗi khi làm nghi lễ này phải có thầy cúng 12 đèn,  tức thầy cúng cao tay nhất, am hiểu về phong tục tập quán, các nghi thức trong lễ này mới làm được. Thứ hai các bài của sử thi này bị mất rất nhiều. Nhóm Dao Quần chẹt, tức Dao Nga hoàng, còn giữ lại. Nhưng người ta không gọi là sử thi và hát kiểu đấy, nghi thức hát lại khác một chút. Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Lào Cai cũng vừa quay phim được toàn bộ nghi lễ cúng rừng của người Dao Đỏ. Có lẽ đây là lần đầu tiên chúng ta quay được vì trước, đồng bào không cho vào”  – TS Sơn nói.

 

 

 

Thanh Lâm/VOV4

Hải Huyền bt ct

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC