Tết của người Dao không thể thiếu tiếng pí lè
Thứ hai, 00:00, 30/01/2017 Hòa - CT Hòa - CT

(VOV4) - Trong ngày Tết, lễ cấp sắc, cưới hỏi, gọi mùa… người Dao lại mang kèn pí lè ra, cất lên những giai điệu hợp cảnh, hợp lòng người. Có người đã ví von rằng: ngày lễ, ngày tết của người Dao có thể thiếu thịt, thiếu rượu nhưng không thể thiếu tiếng pí lè.

 

Pí Lè là nhạc cụ thuộc họ hơi. Theo nghệ sĩ Trương Xuân Tự, Đoàn Nghệ thuật ca múa kịch tỉnh Lạng Sơn, cây kèn pí lè có 3 phần: phần đầu thổi và phần thân, phần có loa kèn.

 

Xưa, người Dao làm phần đầu thổi bằng vỏ con sâu, cây sậy hoặc cũng có thể bằng ống nhựa. Thân kèn bằng gỗ, dài khoảng 30-40 cm, đục 7 lỗ tượng trưng cho 7 nốt nhạc. Phần loa kèn ngày xưa dùng bầu, bây giờ một số người có thể dùng gỗ hoặc làm bằng đồng.

 

Kèn pí lè có thể thổi được 72 giai điệu khác nhau, mỗi giai điệu lại thể hiện tâm trạng khác nhau, khi vui tươi, rộn rã; khi nỉ non, buồn tẻ… Thế hệ người Dao thời kỳ 1950-1970 ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) còn thổi được 36 nhạc điệu. Hiện nay, thường người ta chỉ còn thổi được 15-16 nhạc điệu.

 

Chàng trai người Dao thổi kèn pí lè. Ảnh: baomoi.com

 

Nghệ sĩ Xuân Tự cho rằng nếu nghiên cứu sâu có thể còn sáng tạo được hơn 72 điệu: Thực tế cây pí lè này công năng tốt, thổi được 2 quãng 8 nên chơi được rất phong phú, từ dân ca đến độc tấu một số bài mới bây giờ nên sức diễn tấu rất tốt”.

 

Tiêu chí đánh giá người thổi Pí lè giỏi là phải thuộc nhiều bài, sử dụng giai điệu phù hợp theo nội dung từng nghi lễ.Với nhiều gia đình người Dao, chiếc kèn là báu vật của dòng tộc, không thể bán, không được đánh mất.

 

Ông Triệu Đức Thanh, ở Hoàng Su Phì, Hà Giang, chia sẻ: “Dùng trong đám ma là để giải buồn, dùng trong đám cưới để góp phần vui, có kèn có trống. Trong các ngày vui ngày buồn của dân tộc  này thì không thể thiếu được”.

 

Quan sát nghệ sĩ Xuân Tự thổi bài Mẫu Sơn linh địa - tiết mục đạt Huy chương Bạc Liên hoan nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, thấy cái khó nhất là biết cách lấy hơi, giữ hơi, đổi hơi thì thanh âm phát ra mới du dương, trầm bổng. Người thổi kèn lấy hơi đằng mũi, đẩy hơi ra miệng thông qua đầu thổi, tác động vào những lỗ nhỏ trên thân kèn.

Khi biểu diễn, người thổi kèn áp dụng các kỹ thuật rung hơi, vuốt hơi, phối hợp với các ngón tay bấm nhịp, vuốt trên thân kèn để tạo ra những âm thanh bay bổng, du dương. Dùng dăm nhựa thì tiếng chói và cứng; dùng lá nón cuộn vào, âm vui tươi có tiếng khè khè đặc trưng; dùng dăm của cây sậy thì tiếng mềm mại uyển chuyển hơn.

 

Theo ông Triệu Sáng Lỉ (xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn),học kèn pí lè rất khó. Muốn lấy hơi tốt, ông phải chặt ống tre, ống nứa nhỏ cắm xuống chum nước rồi tập thổi sao cho bong bóng lên đều nhau, 5 phút, 10 phút hay 20 phút cũng không bị đứt hơi thì mới học tiếp được.

 

Nghệ sĩ Xuân Tự cho biết mình phải học đi học lại hàng chục lần mỗi bài, mất khá nhiều thời gian mới nhớ được âm vực, trường độ.

 

Thường trong một cuộc biểu diễn giao lưu, có 3-4 người thổi kèn, mỗi người một cây, kèm theo một bộ đệm gồm trống, chiêng, 2 miếng đồng úp lên nhau gọi là cái xòe.

 

Trẻ em dân tộc Dao say sưa nghe tiếng kèn Pí lè. Ảnh: datviet.vn

 

Theo phong tục từ xa xưa truyền lại, kèn pí lè được người dân thổi nhiều nhất vào 15 ngày đầu năm mới, từ mùng 1 tháng Giêng cho tới ngày rằm. Sau những ngày này, chỉ khi nhà có sự kiện trọng đại mới đem kèn ra dùng, không phải muốn dùng lúc nào cũng được. Đặc biệt, đối với người Dao, đám cưới là nghi lễ quan trọng nhất trong đời người nên dù nghèo khó hay giàu sang thì cũng phải có tiếng kèn đưa sang nhà gái để thể hiện sự trang trọng, đàng hoàng của gia đình nhà trai.

 

Tiếng kèn ngày cưới gồm các điệu: đón dâu, ra cửa, đi đường, lạy tổ tiên... khi rộn rã, vui tươi, khi lại than thiết diễn tả tâm trạng nhớ nhà của cô dâu mới trước khi về nhà chồng. Trong trí nhớ ông Triệu Đức Thanh, người Dao đại bản ở Hoàng Su Phì, đám cưới của người Dao trong bản khi xưa có khi kéo dài tới 7 ngày đêm vì thanh niên mê đắm trong tiếng kèn mà không nỡ giã bạn ra về. Tuy chỉ có 9 bài thổi nhưng có tới 16 loại nhạc điệu, mỗi bài có nội dung ý nghĩa khác nhau.

 

Trong đám cưới, kèn pí lè đóng vai trò là vật thiêng, xua đi sự xui xẻo, cản trở, mang lại sự may mắn, bình an và thể hiện sự uy nghi, vương giả của nhà trai. Trên đường đưa dâu, đội kèn luôn được đi trước.

 

Khi rước dâu đến cửa nhà trai, đội kèn đứng trước ngưỡng cửa để cô dâu làm lễ ngoài sân. Khi bước vào nhà, hai người thổi kèn đứng ra hai bên để cô dâu và chú rể thực hiện nghi lễ trước bàn thờ tổ tiên. Càng về sau, phần hội, tiếng kèn càng trở nên dồn dập, da diết, khiến tất thảy người tham dự lễ cưới đều trào dâng cảm xúc chung vui.

 

Không chỉ dùng trong đám cưới, cây kèn pí lè còn là phương tiện giao duyên giữa các đôi nam nữ người Dao. Từ xa xưa, bản người Dao có tục lao động giúp nhau và giao lưu bằng tiếng hát, tiếng kèn.

 

Ngày đầu xuân các chàng trai thổi kèn buộc vải chỉ đỏ vào và mặc bộ quần áo đẹp đi chơi hội, các chàng trai Dao ai cũng có cây kèn đó để thể hiện tài năng của mình” – anh Tự nói.

 

Tiếng kèn pí lè hòa vào làn điệu Páo dung, ngây ngất hương tình trong lời đưa đẩy của trai gái gọi bạn:Nhạc xuân anh gửi tới nàng/Đêm nay trăng tỏ núi rừng quê ta/Kèn vui mời em xuống nhà/Dưới trăng mình hát đôi ta hẹn lời/Kìa trăng anh thổi đi anh/Ngỏ lời em hát mời anh đến nhà...”.

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Hòa - CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC