Thiếu Páo dung không thành chồng thành vợ
Thứ ba, 00:00, 30/08/2016

(VOV4) - Páo dung - thể hát đối đáp giao duyên của người Dao thường diễn ra trong các ngày lễ hội, đám cưới, Tết Nguyên đán hay vào những buổi đổi công. Những làn điệu giao duyên này thể hiện rõ nét nếp sống, tâm tư của người Dao và là tất cả “hơi thở cuộc sống” của họ.

 

Hát giao duyên, điệu hát mà người Dao gọi là (sháng ca) và (sái vần chang), có nơi gọi Sáng cố, có truyền thống từ rất lâu đời, hát ứng đối giữa một đôi nam - nữ hoặc một bên nam và một bên nữ, hoặc giữa làng này với làng khác. Cũng vì sức hút kỳ lạ từ giai điệu tình cảm, nhịp điệu uốn lượn, nên Páo dung giao duyên có thể hát cả ngày cả đêm, hát liên tục từ ba ngày ba đêm hoặc dài hơn nữa, trong lúc này người ta có thể xuất khẩu thành thơ.

 

Trong đám cưới của người Dao không thể thiếu hát đối đáp giao duyên. Một đoàn đối đáp chia làm hai, mỗi bên 8 người, có hai người phụ theo mỗi lúc bí từ, hết nghĩa.


Ông Bồn Văn Bằn, ở thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang, bảo có quy định nhà gái hỏi trước, nhà trai trả lời xong, bước đến cửa lại chặn đường hỏi tiếp, trả lời đúng thì vào cửa trong lại hỏi tiếp. Đối diện nhau bày mâm xong, nhà gái lại hỏi, nhà trai trả lời, hát cả ngày đêm mới hết.

Ông Bằn bảo vì vậy mà người Dao áo dài ở quê ong đều phải thuộc những lời hát giao duyên đó: "Không muốn thuộc cũng bắt buộc phải học. để biết hát biết làm, sau này con cái trưởng thành lập gia đình thì mình cũng biết đón. Phải biết hát hết thì mới truyền cho nhau chứ".

 

Người Dao hát páo dung. Ảnh:baomoi.com

 

Ngoài đám cưới, trai gái người Dao khi tìm hiểu nhau để kết bạn tâm giao, nên duyên vợ chồng cũng mượn hình thức hát giao duyên để ướm tình cảm của nhau. Các cuộc hát giao duyên diễn ra sôi nổi với những làn điệu nhất định, lời hát thường được ứng khẩu tại chỗ. Lời Páo dung đối đáp của người Dao mượn hình ảnh của mây trời trăng sao, biển cả sông núi để khẳng định chung thủy trong tình yêu. Ví dụ: Em bay lên trời anh cũng đuổi/Em trốn vào sao anh cũng tìm...

 

Trong Páo dung đối đáp có nhiều thể loại chương, đoạn, khúc, như hát mời gọi, hát chào hỏi; hát chào khách đến nhà; hát trách móc không giữ lại nữa. Cuộc hát của nam nữ tìm hiểu nhau thường hay vòng vo. Dù đã yêu nhau đến mười mươi đi chăng nữa thì tình yêu nam nữ vẫn được thể hiện bằng sắc thái ý nhị kín đáo, nhưng rất sâu sắc.

 

Hai người tâm đầu ý hợp thì có thể hát riêng với nhau. Một người hát: nếu anh được hạnh phúc với em/hai chúng mình hạnh phúc thì nấu canh không bỏ muối vẫn ngọt. 

 

Gặp được người thương, nam thanh nữ tú lại rủ nhau đi hát từ bản này sang bản khác. Cuộc hát say sưa khiến họ như quên ngày, quên tháng.  Dẫu có tàn cuộc, chia tay, nhưng dường như những cuộc Páo dung chưa bao giờ kết thúc để rồi đến khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch, khi vụ mùa đã xong, trai gái lại tiếp tục lời hẹn Páo dung ngày nào.

 

 

Người Dao ở Việt Nam cư trú rải rác khắp vùng rừng núi từ biên giới Việt - Trung, Việt - Lào cho tới một số tỉnh trung du và miền biển Bắc Bộ.

 

Dân tộc Dao ở Viêt Nam có 9 ngành (nhóm) Dao, mỗi ngành sống cộng cư với các dân tộc khác ở một vùng nhất định. Tiêu biểu là ngành Dao Quần chẹt, Dao Coóc mùn, Dao Coóc ngáng, Dao Quần trắng, Dao Ô gang, Dao Đỏ, Dao Thanh y, Dao Tiền, Dao Áo dài...

 

Ngoài những đặc trưng văn hóa chung của tộc người, mỗi ngành Dao còn có đặc trưng văn hóa riêng.

 

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC