Trước hiên nhà, Giàng A Sài ở tổ 4, phường Sa Pả, thị xã Sa Pa, Lào Cai đang thổi kèn lá. Chiếc lá được Sài ngắt từ thân cây mận trước nhà. Nó chỉ bằng 2 ngón tay chụm lại. Gập mép lá ra ngoài, Sài kẹp lên môi. Anh giữ lá bằng ngón cái và ngón trỏ, thổi rung lên âm điệu vui tai.
Dứt điệu kèn, Sài dí dỏm giảng giải: “Bài “tiếng kèn lá gọi bạn”, ý là: bạn ơi tôi đã đến chợ rồi. Bạn đang ở chỗ nào, có thời gian đến gặp tôi không. Hôm nay tôi đi một mình, tôi nhìn khắp xung quanh chẳng thấy bạn đâu cả. Không thể gọi bằng lời, tôi gọi bằng tiếng kèn lá. Bạn hãy về đây với tôi nhé! Ngày xưa không có điện thoại thì sử dụng cái kèn lá này như điện thoại bây giờ, gọi bạn mình”.
Lá nghệ làm kèn
Trai, gái Mông xưa ý nhị, kín đáo. Để thổ lộ tình yêu, họ mượn tiếng kèn lá. Giận, hờn, nhớ, thương đều gửi trọn vào đó. Họ dùng kèn lá để trò chuyện, tâm tình cùng nhau.
Sài và người vợ Má Thị Xá cũng nên duyên từ tiếng kèn lá. Anh chị đã có với nhau 2 mặt con. Rảnh rỗi, vợ ngồi xe lanh, chồng thổi kèn lá, ôn lại chuyện cũ.
“Bạn gái ở nhà, bạn trai trên núi. Không đến được thì con trai sử dụng kèn lá này để gọi bạn mình ra. “Em có nghe thấy anh thổi không. Nếu em nghe thấy thì em ra nhé, anh đang đợi trên núi”. Nghe xong, mình biết ngay là tiếng kèn lá của anh ấy. Con gái thổi lại: “em ra rồi, em ra rồi”. Mình nhận ra người yêu mình ngay. Kiểu như 3 người thích chị thổi trước, không phải giọng kèn của anh ấy mình quyết không ra. Mình quen rồi mà”. - Chị Xá cười tươi khi nhớ lại hồi trẻ thổi kèn lá với chúng bạn.
Anh Giàng A Sài và chị Má Thị Xá trò chuyện trước hiên nhà
14 tuổi, chị Xá đã biết thổi kèn lá. Chị nói, thổi kèn lá cũng như cuộc trò chuyện, đối đáp vậy. Nhưng thay vì lời nói, người Mông dùng giai điệu của tiếng lá để bày tỏ tâm tư. Chỉ cần biết thổi, thì lá cây nào cũng có thể làm nhạc cụ. Nhưng tốt nhất là lá nghệ, vừa có độ dai, không quá dày, thổi sẽ không làm rách lá mà tạo âm sắc hay.
“Người Mông ngày xưa người ta yêu nhau kín đáo lắm. Có thể đã biết nhau, yêu nhau rồi nhưng mà người ta không dám gặp nhau đâu. Rất sợ bố mẹ hay anh em họ hàng biết. Thế là nhiều khi hai người mỗi người ngồi một đỉnh núi họ dùng tiếng khèn lá nói cái lòng mình cho đối phương nghe”. Anh Sài cho biết.
Tiếng kèn lá cất lên, phá vỡ không gian tĩnh mịch, phá vỡ sự cô đơn mà gắn kết hai tâm hồn. Anh Sài bảo: “Xưa yêu tiếng kèn lá, yêu tới mức mà mơ cũng nghe thấy tiếng kèn lá da diết nhưng không biết người thổi là ai. Có thể nhiều người ngày xưa người ta e thẹn không như bây giờ, khi mà tìm được đúng tiếng kèn lá gặp với nhau có khi họ ngày ngày mới biết tiếng thổi kèn lá, sau khi biết mặt nhau có khi hai người đã lấy chồng, lấy vợ, có con cái hết rồi”.
Nếu một ngày lên vùng cao, vẳng nghe tiếng kèn lá vắt qua sườn núi. Chắc chắn, đó là tiếng lòng của chàng trai Mông đang gọi bạn tình!
Lâm Thanh/VOV4
Viết bình luận