Tiếng pí xao xuyến lòng cô gái Thái
Thứ tư, 00:00, 09/11/2016

(VOV4) - Giai điệu dìu dặt, bay bổng của tiếng pí tam lay, pí pặp khiến người con gái Thái xao xuyến, bồi hồi. Những âm thanh mê hoặc của pí chạm đến từng cung bậc cảm xúc.

 

Ông Cầm Vui, nghệ nhân sáng tác dân ca Thái, ở xã Mường Trai, huyện Mường la, tỉnh Sơn La, cho biết người Thái có nhiều loại nhạc cụ làm từ ống giang, ông nứa. Chỉ riêng sáo, tức pí của người Thái, đã có đến 8 loại, như pí thiu, pí pặp, pí tam lay, pí lào nọi, pí lào luông, pí đôi, pí tam tặn, pí long tông…

 

Với những chàng trai người Thái, chiếc pí pặp là vật bất li thân, nhất là trong thời gian tìm hiểu cô gái mà mình đem lòng yêu thương. Khi đến nhà cô gái, chàng trai thường lấy pí ra thổi những bài tình ca da diết, khiến cho cô gái thổn thức, xao xuyến. Tất nhiên, cô gái đó chỉ xao xuyến khi cảm nhận đúng tiếng pí của người yêu mình.

 

"Pí pặp này thì thường sử dụng vào ban đêm, đi gọi người yêu đêm trăng sáng. Người ta tỏ tình thay cho lời nói, người ta không gọi trực tiếp người con gái mình yêu đâu. Người ta dùng tiếng pí này gọi người con gái mình yêu ra ngoài sàn. Tất nhiên là tiếng pí này người con gái phải nhận biết là của người yêu, giai điệu của từng người nó khác nhau. Nếu anh mà giả vờ thì họ biết tiếng sáo không phải của người yêu mình thì họ không dậy đâu" - ông Cầm Vui nói.

 

Tiếng pí như tiếng lòng của chàng trai người Thái. Ảnh: VNExpress

 

Pí pặp của người Thái vùng Sơn La được làm từ 1 ống nứa. Đầu pí được gắn thanh đồng nhỏ làm lưỡi, thân ống có 6 lỗ,  là nơi phát ra âm thanh. Âm thanh của pí pặp hay hay không phụ thuộc rất nhiều vào tài chế tác của nghệ nhân. Khó nhất là việc tạo lưỡi pí, lưỡi này càng mỏng tiếng sáo càng trong, nhưng âm thanh vang, rền hay không lại nhờ vào chất liệu ống nứa dày hay mỏng.

 

Âm thanh Pí pặp là nỗi niềm của chàng trai với người mình thương mến, bởi thế giai điệu của nó dìu dặt, trầm buồn. Truyền tai rằng chàng trai càng thổi pí hay bao nhiêu thì càng có tâm hồn lãng mạn, bay bổng bấy nhiêu. Còn Pí đôi thì được cấu tạo bởi hai chiếc pí đơn ghép lại, nhưng lúc này mỗi chiếc pí có một sứ mệnh khác nhau.


Theo ông Cầm Vui: Người ta ghép thêm một ống nữa thành pí đôi để thêm một âm phụ nữa cho pí pặp. Lúc thổi buồn ban đêm thì thổi riêng một cái. Lúc vui vẻ thì người ta mới thổi ghép cái âm phụ này vào. 

 

Nếu như Pí đơn, Pí pặp thường được các chàng trai dùng như bảo bối để gọi bạn tình, bày tỏ tình cảm lứa đôi thì chiếc Pí Tam lay thường được sử dụng trong không gian cộng đồng. Tuy nhiên, cũng có khi giai điệu của Pí Tam lay cất lên để bày tỏ nỗi niềm, thường là những niềm vui, phấn khởi. Âm thanh nhộn nhịp, lúc trầm lúc bổng làm cho người nghe phấn chấn.

 

Ông Cầm Vui bảo Pí Tam lay thường sử dụng vào mùa lúa chín vàng. Khi mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ, người ta vào rừng chặt ống nứa, cắt thành lam, thổi để ca ngợi bản mường, ca ngợi cuộc sống.

 

Người Thái còn có một loại pí gọi là Pí Thiu, nhưng pí này thì người Thái đen ít dùng. Giai điệu của nó rất buồn. Pí thiu gắn với câu chuyện về đôi trai gái yêu nhau không lấy được nhau. Chàng trai buồn, nhớ người yêu lấy sáo ra thổi, vừa thổi vừa khóc, nên người Thái gọi giai điệu của Pí thiu chính là giai điệu khóc người yêu.

 

Pí Thiu được người Thái ở Phù Yên, Bắc Yên và người Mường hay dùng.

 

 

Hoài Thu/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC