Trang sức của người Cơ tu
Thứ tư, 11:30, 22/12/2021 HH BTCT + 2 ảnh HH BTCT + 2 ảnh
VOV4.VN - Trang sức của người Cơ tu xưa ở vùng núi Tây Giang, Quảng Nam được làm bằng nhiều chất liệu như đồng, đá, nanh con thú, lông chim, cây rừng… Họ lấy vỏ sui, thổ cẩm làm trang phục, thể hiện nét hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên vùng đất này.

Người đẹp vì thổ cẩm

Sắc màu thổ cẩm của trang phục đàn ông Cơ tu 

Truyền thống người Cơ tu xưa cởi trần đóng khố. Nhà nghèo có chiếc áo vỏ cây. Nhà giàu sẽ có tấm choàng, tấm dồ thổ cẩm. Tấm choàng càng có nhiều hoa văn, càng có nhiều cườm chì đính lên đó là bộ trang phục đẹp.
Tấm choàng khổ rộng đôi khi đến 50cm, dài 3m, quấn xuống ngang với ống chân. Khi mặc quấn chéo qua vai trái xuống hông phải một hoặc 2 vòng rồi thả xuống trùm ngang gối. Hoặc họ quấn vòng tròn từ cổ xuống bụng, hay tạo hình chữ X trước bụng và sau lưng. Tất cả đều toát lên vẻ đẹp cường tráng, vị thế của người đàn ông Cơ tu.
Già Briu Pố, người Cơ tu ở thôn A rớh, xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam cho biết, người đàn ông Cơ tu còn có chiếc áo thổ cẩm cổ tròn, cộc hai cánh tay. Chiếc áo này được trang trí với dãy hoa văn đối xứng, với những vạch, sọc có khoảng cách đều nhau được dệt bởi 3 màu vàng, đỏ, trắng nổi bật trên nền vải chàm đen. 
Nhưng trang phục đẹp nhất của đàn ông Cơ tu là khố. Họ có tới 7 loại khác nhau. “Nghèo nhất là chiếc khố bằng vỏ cây sui. Những người khá khá một chút mặc khố bằng vải dệt của đồng bằng. Họ đổi mật ong lấy vải về làm khố. Khá hơn sẽ có chiếc khố thổ cẩm Cơ tu, nhưng không có hoa văn”. – Già Briu Pố nói.
Khố thường rộng khoảng 30 – 40cm, dài 2 – 8m. Loại khố cao cấp hơn sẽ có hoa văn bằng sợi vải, hai bên đầu khố phía trước, phía sau có cườm. Diện tích của hai mặt khố cũng như phần rìa ngoài đều kết cườm đẹp mắt. Chiếc khố này tên gọi g’hu reng, có giá trị bằng một con bò.
Già Briu Pố cho biết, khố đẹp nhất là g’hu vang. "Ngoài các hoa văn, hình cườm như g’hu reng thì hai bên mép này cộng với cái mép ở dưới nữa họ thêu những cái tua vải. Trên cái tua vải đấy họ xâu các hột lục lạc, rất nhiều. Khi họ nhảy cộng với cườm, cộng với các hạt lục lạc này nữa, mình chuyển động với cả nghe tiếng kêu nữa. Rất hay. Cho nên, cái khố đó trị giá là một con trâu. Đó là cái khố đẹp nhất của người Cơ tu”.

Chuỗi răng heo, cườm - Thứ trang sức quý giá

Răng heo, mã não - Trang sức của người giàu
Loại trang sức đeo ở cổ và đeo ở tay phổ biến nhất của người Cơ tu được làm từ cườm. Chúng bằng đá, thủy tinh với nhiều hình thù khác nhau hình dẹt, hình thoi, hình tròn… Càng to người Cơ tu càng ưa thích.
“Ngày xưa một chuỗi mã não, hai chuỗi mã não dài dài là một con trâu rồi đấy. Nó không dễ kiếm đâu. Rồi trên cổ của họ mà có các loại cườm mà người Cơ tu gọi là k’rôl đó. To to tròn tròn có cái to hơn ngón tay cái, có cái bằng ngón trỏ, có cái bằng ngón tay út, hạt bi. Có cái to hơn ngón tay trỏ, dài. Một cái chuỗi đấy là một con trâu. Họ rất là quý. Ai có thêm cái vòng bạc nữa đeo lên cổ để cho người ta thấy nhà mình là nhà giàu, mình có bề thế”. Ông chia sẻ.
Ngoài chuỗi cườm quý giá, người Cơ tu còn lấy răng heo làm trang sức khoe nét đẹp của mình. Một chiếc răng heo ấy bằng cả một con trâu. Nếu đeo lên cổ cả một chuỗi vòng răng heo sẽ có giá của trâu mẹ, trâu con. Chiếc vòng ấy đường kính khoảng gần 10cm. 
Để có một chiếc răng heo làm đẹp, các gia đình Cơ tu phải mất 8 – 9 năm trời tạo ra nó. Khi một con heo đực sinh ra, nuôi cho đến khi chu vi vòng bụng của nó được khoảng 2,5 – 3 gang tay sẽ mang đi thiến. Sau đó, tầm khoảng 1 năm rưỡi, họ phá bỏ 2 chiếc răng nanh ở hàm trên để tránh cà mòn hai cái răng nanh hàm dưới, tạo không gian cho hai răng này phát triển. Khi răng uốn tròn được 1 vòng, họ tiến hành nhổ chiếc răng đem chế tác và trang trí rồi sử dụng.
Cùng với răng nanh heo nhà, mỗi lần săn heo rừng họ lại giữ bộ nanh làm đồ trang sức. Heo càng già chiếc nanh càng dài và quý. Người ta lấy chiếc nanh heo rừng xỏ vào chuỗi hạt bằng đá hoặc mã não, chiếc nanh sẽ là điểm nhấn trong bộ trang sức vòng cổ, khi đeo nó thòng xuống trước ngực. Việc có được chiếc nanh heo rừng được coi như là kỳ tích săn bắn và cũng là vật chứng tỏ lòng dũng cảm, thiện chiến của người thợ săn.
Ngày nay, người Cơ tu không còn dùng nanh heo nhà để làm trang sức nữa, chỉ còn những người già giữ chúng như một kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ. 
Trong lễ hội, họ lại mang lên mình những chuỗi răng nanh ấy. Có những chuỗi răng nanh tủa ra ôm trọn vòng ngực đầy quyền thế. Có những chuỗi ăm ắp mã não xâu cặp đôi răng nanh được gắn với nhau trông như hình vầng trăng khuyết. Chúng gợi lên bao ký ức đẹp của thuở xưa.
Ngày trước, đàn ông Cơ tu để tóc dài và búi trên đầu. Họ chế tác chiếc búi hình tam giác cân bằng xương trâu, trang trí hoa văn xanh, đỏ, vàng… cột tóc. Trên đỉnh của cột tóc ấy họ quấn một vòng răng heo. 
Nhưng chưa dừng lại đó, theo già Briu Pố, họ còn lấy bờm của con heo rừng, có lông chim điểm trang cho tóc mình thêm phần hoang dã. Với họ, đó là thứ vòng đội đầu quý giá.
“Có bờm heo rừng, có lông chim đẹp, họ cắm xen kẽ nhau. Phía gáy của con trai mới quan trọng. Ở giữa là có một lông chim chèo bẻo, lông đó dài màu đen mà cong cong xuống. Phần cuối cùng của cái lông đó có hình mũi tên. Thế là cắm ở giữa. Sau đó hai bên thì họ mới cái đồng xưa họ rèn, họ dập lại hình tam giác cân. Khi người con trai đội lên đầu, mặc tất cả những thứ đó trong thân, trong khố, trong đầu, trong cổ, trong tay bắt đầu họ đánh trống, đánh chiêng. Người con trai tâng tung, họ nhảy, theo nhịp trống chiêng rất là đẹp. Mấy cái thứ này nó chập chờn, chập chờn nó lên xuống theo nhịp của con trai nhảy con gái người ta mê mệt. Người ta có bài người con gái hát ca ngợi người con trai này”. 
Từ xa xưa, trong từng hoàn cảnh sống, người Cơ tu đã có những thích ứng tuyệt vời, để rồi tạo cho mình một gu thẩm mỹ riêng trong trang phục, trang sức, làm nên bản sắc của người Cơ tu vùng núi Tây Giang, Quảng Nam.

Lâm Thanh/VOV4













HH BTCT + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC