Xi xa lo, violon của người Thái
Thứ sáu, 00:00, 30/09/2016 Thu - CT Thu - CT

(VOV4) - Chỉ là những ống giang, ống nứa và những vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày, bằng bàn tay khéo léo và sự tinh tế trong cảm thụ âm nhạc mà người Thái đã chế tác ra nhiều loại nhạc cụ độc đáo. Có một cây đàn được ví như cây violon của người Thái mang tên xi xa lo.





 

Ông Vi Dân Thuyền, ở bản Khe Ló, xã Môn Sơn, huyện Con cuông, Nghệ An, sở hữu nhiều loại nhạc cụ nhất bản này. Trong nhà ông, những chiếc đàn tính, khèn bè, tiêu và sáo… treo đầy nhà. Có một loại nhạc cụ ông luôn mang theo mình, đó là chiếc xi xa lo tự tay ông chế tác. Từ năm 14, 15 tuổi ông đã biết chơi xi xa lo, điều không phải bất cứ chàng trai Thái nào cũng biết.

 

Xi xa lo là nhạc cụ dây duy nhất trong hệ thống nhạc cụ của dân tộc Thái. Âm thanh của loại nhạc cụ này mộc mạc nhưng tinh tế như chính tâm hồn người Thái. Khi vui, khi buồn, người Thái đều mượn tiếng xi xa lo. Xi xa lo được sử dụng để đệm cho các bài dân ca, có thể kết hợp với các loại nhạc cụ khác để tạo thành bản hòa tấu độc đáo và vui nhộn. Theo ông Thuyền, với người Thái ở Nghệ An, xi xa lo thường được sử dụng nhiều nhất trong không gian hát lăm.

Khi chơi đàn Xi xa lo, bắt buộc người chơi phải là nam giới. Ông Cà Chung, ở Sơn La, giải thích "bởi vì nó có hai công dụng chính, một là đệm nhạc, một là để gọi bạn tình đấy". Ông Cà Văn Chung bảo xi xa lo của người Thái ở Tây Bắc và người Thái ở Nghệ An có một số điểm khác nhau:

"Xi xa lo của người Thái thì chỉ có một loại thôi nhưng mà cách làm của mỗi nơi khác nhau. Ở Nghệ An thì có 3 dây, ở vùng Sơn La thì chỉ có 2 dây thôi và dây cung để kéo người ta lồng vào dây thanh luôn. Còn ở Nghệ An có 3 dây thì dây cung ở bên ngoài. Nhưng âm thanh thì giống nhau thôi".

 

Đàn xi xa lo của người Thái.  Ảnh: baomoi.com

 

Nứa là nguyên liệu chính để làm nên những chiếc đàn xi xa lo. Mà đây lại là loại cây vô cùng quen thuộc ở núi rừng, vì thế, không khó để các chàng trai  Thái có được những chiếc xi xa lo cho riêng mình. Nhưng, để có những chiếc xi xa lo ưng ý, ngoài việc chọn nứa tốt cần có đôi tai biết thẩm âm, đôi bàn tay khéo léo và cả tính cần mẫn nữa.

 

Muốn xi xa lo hay, phải chọn ống nứa tốt

 

Bộ phận chính của xi xa lo là ống nứa, dây thanh và cung kéo. Ống nứa dài khoảng 40-45 cm, có chức năng chính làm bộ tăng âm. Theo ông Vi Dân Thuyền, người đã có hơn 40 năm kinh nghiệm chế tác xi xa lo, muốn chiếc xi xa lo cho âm thanh trong trẻo, mượt mà, thì đầu tiên phải biết cách chọn nứa:

 

"Yêu cầu ống nứa không già lắm và không non quá. Phơi khô, sau đó mình tước vỏ. Thường thường chọn nứa vào tháng 2 tháng 3. Nứa đấy nó không mọt, còn tháng 7, 8 nứa tốt nhưng bị mọt".

 

Lấy ống nứa về, người ta sẽ cắt thành từng lóng, gác lên gác bếp. Sau 3 tháng, thì tước ống nứa. Đây là công đoạn khó nhất. Nếu tước không khéo thì vỡ, tước không đều thì vát, xéo đi. Phải tước vỏ nứa thật mỏng mới có âm thanh. 

 

Trên đầu ống nứa, người Thái khoan lỗ để luồn các then khóa. Có 3 dây kim loại được nối từ các nốt khóa đến lỗ khoan phía dưới ống nứa. Mỗi cây đàn xi xa lo thường có 9 lỗ nhỏ để âm thanh phát ra ngoài. Nhưng theo ông Thuyền thì số lượng lỗ thoát âm không nhất thiết phải là 9.

 

Cung kéo của xi xa lo được uốn cong. Dây cung được làm bằng những sợi lông đuôi ngựa. Bây giờ không có sẵn lông đuôi ngựa, người ta thay bằng những sợi giang tước nhỏ hoặc dây cước. Tuy nhiên, âm thanh có sự khác biệt.  Tiếng xi xa lo kéo bằng lông đuôi ngựa trầm hơn và mềm mại hơn.

 

 

 

Hoài Thu/VOV4

Thu - CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC