Bộ đội Đắk Lắk: Học tiếng Êđê để gần dân, hiểu dân hơn
Thứ tư, 00:00, 16/09/2020 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Học tiếng Êđê để gần dân, hiểu dân hơn trong quá trình công tác ở cơ sở, đó là cách mà bộ đội Đăk Lăk đang thực hiện.

 

Thực hiện chủ trương tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều lớp học tiếng Êđê cho cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng.

Học gắn liền với hành một cách bài bản, sau mỗi khóa học, các cán bộ không chỉ đọc thông viết thạo, tự tin giao tiếp với đồng bào, mà còn có thể cùng giao lưu sinh hoạt văn hóa Ê đê.

Lớp học tiếng Êđê dành cho các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk diễn ra sôi nổi gần 1 tháng qua, tại Trung đoàn 584.

Quá trình học trên lớp chú trọng khâu thực hành nói và viết -Ảnh: VOV

Đây là tháng cuối cùng của khóa học mở từ 3 năm trước, nên tất cả các học viên đều đã thông thạo tiếng Ê đê, giờ tập trung học những chủ điểm phục vụ công tác.

Ngày 2 buổi sáng - chiều thảo luận trao đổi bài, buổi tối các học viên lại sinh hoạt văn hóa văn nghệ bằng tiếng Êđê và các nhạc cụ dân tộc.

Các chủ đề bài học rất gần gũi, sát thực tế công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở cơ sở. Thiếu tá Y Thái Mlô (Trợ lý quân báo trinh sát, Ban chỉ huy quân sự huyện Krông Năng), cho biết “Tôi là người Êđê nhưng trước kia chỉ biết nói thôi chứ viết không được. Qua lớp này tôi học tiếng Êđê, biết viết hơn và biết được nhiều phong tục tập quán của người Êđê. Khi về với buôn làng sau này bản thân tôi dễ dàng hơn trong việc tuyên truyền vận động người dân, hiểu hơn phong tục tập quán người Êđê để từ đó mình vận động dễ dàng hơn”.

Khóa bồi dưỡng tiếng Êđê do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với Ban Nghiên cứu Giáo dục học sinh dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đăk Lăk tổ chức, có gần 60 học viên là cán bộ, nhân viên thuộc lực lượng vũ trang trong tỉnh tham gia.

Khóa học tổ chức trong 3 năm, mỗi năm các học viên sẽ học tập trung 1 tháng, sau đó lại trở về đơn vị công tác. Thượng úy Ngô Đức Anh (Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Buôn Hồ) cho biết, nhờ khóa học này, mỗi lần về với buôn làng, anh đã tích cực trao đổi, chuyện trò cùng người dân bằng tiếng Êđê để tạo sự gần gũi, xóa đi khoảng cách bất đồng ngôn ngữ.

Thượng úy Ngô Đức Anh mong muốn không chỉ riêng người dân tộc Êđê mà còn có nhiều dân tộc khác như Mnông, Tày, Nùng  thì cũng mong muốn rằng sẽ có thêm các khóa về các thứ tiếng đó nữa để cho cán bộ hiểu biết được và nói được tiếng đồng bào.

Cô giáo H Loanh Niê (Ban Nghiên cứu Giáo dục học sinh dân tộc tỉnh Đăk Lăk) là người trực tiếp giảng dạy. Cô cho biết, so với lượng kiến thức truyền đạt thì thời gian mỗi kỳ học khá ngắn chỉ trong 1 tháng, trong khi trình độ, tuổi tác, khả năng tiếp nhận bài giảng của mỗi học viên lại khác nhau. Tuy vậy, với tinh thần cầu thị, nghiêm túc, các học viên đều hoàn thành tốt các nội dung. Kết quả kiểm tra cuối kỳ có khoảng 1/3 số học viên đạt loại khá, giỏi.

Giáo viên trao đổi, đàm thoại với học viên bằng tiếng Êđê-Ảnh: VOV

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động trong vùng dân tộc thiểu số, nhất là vùng đông người Êđê sinh sống, từ năm 2003, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk đã mở các lớp học tiếng Êđê cho các cán bộ, chiến sĩ làm công tác dân vận, quân báo, trinh sát.

Những năm qua, toàn tỉnh đã bồi dưỡng tiếng Ê đê cho hơn 800 cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, từ năm 2019, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh mở lớp dạy tiếng Khmer dành cho cán bộ chiến sĩ đội K51 làm công tác quy tập hài cốt liệt sỹ bên nước bạn Campuchia.

Theo Thượng tá Trần Minh Trọng, Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong tình hình mới, các khóa học tiếng dân tộc thiểu số ngày càng chuyên sâu hơn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ làm công tác dân vận; đồng thời sẽ được mở rộng trong toàn lực lượng.

Với các cán bộ và chiến sĩ bộ đội tỉnh Đăk Lăk, học nói và viết tiếng dân tộc, hiểu văn hóa dân tộc thiểu số, để gần dân hơn, đó là cách mà các anh đang thực hiện để giúp được dân nhiều hơn, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ “đi dân nhớ, ở dân thương” hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác trong tình hình mới./.


H Xíu/VOV Tây Nguyên

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC