Cần tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Thứ sáu, 00:00, 06/03/2020 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN – Năng lực của phụ nữ nói chung và phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng không thua kém nam giới. Vì vậy, cần tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin để phát triển bản thân, tận dụng nguồn nhân lực tiềm năng này.

 

Thời gian qua, mặc dù được Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, nhưng với những đặc điểm giới và định kiến xã hội đã tồn tại qua nhiều thế hệ, phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số vẫn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng kép cả về dân tộc và về giới.

Điều này ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận, tham gia và thụ hưởng từ các chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, khiến họ bị tụt hậu trong trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe và hòa nhập xã hội. Đây là nguyên nhân làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số đang bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

Theo Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, hiện có 49 dân tộc có tỷ lệ đi học dưới 50%, tỷ lệ biết đọc viết tiếng phổ thông còn thấp, 6/53 dân tộc có tỷ lệ tảo hôn 50%, trong khi tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số đã qua đào tạo chuyên môn kĩ thuật rất thấp, chỉ khoảng 6%.

Bà Lương Thị Liên, dân tộc Mường, xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho biết, do phụ nữ dân tộc thiểu số ít được cập nhật thông tin và những kiến thức mới, nên cơ hội việc làm cũng bị hạn chế, không có nhiều cơ hội tìm kiếm tìm việc tạo thu nhập cho bản thân, hiệu quả làm từ nông nghiệp bấp bênh không theo tỷ lệ, không có thu nhập đảm bảo cho phụ nữ nâng cao đời sống và phát triển kinh tế.

(Ảnh minh họa)

Phần lớn các chính sách hiện hành chưa được quan tâm lồng ghép giới, chưa quan tâm tới nhu cầu và điều kiện thực tế của lao động nữ và nam dân tộc thiểu số. Để chính sách đi vào cuộc sống, cần sửa đổi bất cập của chính sách theo hướng bảo đảm lồng ghép giới hiệu quả.

Cần xây dựng chính sách, xây dựng chính sách từ cộng đồng, từ nhu cầu thực tế của phụ nữ, phải để phụ nữ dân tộc thiểu số nói được tiếng nói của họ, họ cần gì, muốn gì, từ đó xây dựng chính sách.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ trong phát triển nguồn nhân lực và phát triển kinh tế. Khi phụ nữ có cơ hội tốt họ sẽ thể hiện và phát triển được bản thân.

Thực tế cho thấy, đã có những tấm gương phụ nữ dân tộc thiểu số vượt qua định kiến để học tập, phát triển kinh tế gia đình, tự tin đưa các sản phẩm của địa phương tới các vùng miền của đất nước và quốc tế.

(Đã có những phụ nữ chủ động vươn lên, là tấm gương sáng cho buôn làng - Ảnh:VOV)

Điều đó cho thấy, năng lực của phụ nữ nói chung và phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng không thua kém nam giới. Vì vậy, cần tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin để phát triển bản thân, tận dụng nguồn nhân lực tiềm năng này./.

 

Phương Thoa/VOV1

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC