Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Điện Biên có 13/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nghĩa là các xã này đã hoàn thành 19/19 tiêu chí của Bộ Tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới theo Quyết định số 1980 của Thủ tướng Chính phủ.
Xã Noong Hẹt, huyện Ðiện Biên, tỉnh Điện Biên chính thức được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào giữa năm 2017, với 19/19 tiêu chí hoàn thành. Đây cũng là 1 trong 3 xã cán đích nông thôn mới sớm của tỉnh Điện Biên sau xã điểm nông thôn mới toàn quốc Thanh Chăn.
Tuy nhiên chỉ tiêu 6.3, tiêu chí số 6 về quy định mỗi thôn bản phải có một nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng thì xã vẫn đang phải nợ lại, bởi đến thời điểm hiện tại, xã Noong Hẹt mới chỉ có 4/27 thôn bản có nhà văn hóa; số còn lại chưa thể xây dựng do khó khăn về kinh phí và thiếu quỹ đất để xây.
Theo ông Trần Công Kha, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên: đây là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất. Do xã Noong Hẹt nằm ở vị trí rất thuận lợi, giá đất quá cao nên nếu như để người dân phải mua quỹ đất để làm nhà văn hóa là không thể, người dân không có khả năng đóng góp.
Tuy xã Noong Hẹt đạt chuẩn tiêu chí số 2 về đường giao thông nông thôn, nhưng nhiều tuyến đường liên thôn bản mới chỉ được rải cấp phối. Trong khi đó, ngân sách xã được giao lại giảm bớt nội dung chi cho tu sửa đường giao thông. Đây là lý do khiến việc giữ vững tiêu chí về giao thông ở Noong Hẹt gặp nhiều khó khăn.
Tương tự, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017, nhưng ở nội dung tiêu chí số 6 cũng mới có 11/23 bản có nhà văn hóa. Thiếu quỹ đất và kinh phí xây dựng, nên nội dung này chưa biết khi nào mới hoàn thành.
Ngoài ra, việc giữ vững các chỉ tiêu đối với tiêu chí số 17 về môi trường ở Thanh Yên cũng đang gặp nhiều khó khăn. Với 4 điểm thu gom rác trong toàn xã như hiện nay là chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, việc quản lý nghĩa trang theo quy hoạch, đầu tư hệ thống nước sạch theo quy chuẩn cũng chưa đáp ứng các tiêu chí về môi trường theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
(Một bộ phận người dân vẫn chưa có ý thức bảo vệ môi trường)
Theo lãnh đạo huyện Điện Biên, phần lớn chỉ tiêu các xã nợ lại đều rơi vào các chỉ tiêu người dân phải tự thực hiện. Riêng tiêu chí số 6 còn một nội dung về cấp loa phóng thanh dành cho các thôn bản, do kinh phí đầu tư rất lớn, nên huyện đã đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên về cơ chế hỗ trợ.
Các nội dung về vệ sinh môi trường nằm trong tiêu chí số 17 thì khi xây dựng nhà tiêu, nhà tắm, khu chuồng trại hợp vệ sinh theo yêu cầu đạt chuẩn thì đòi hỏi một khoản kinh phí lớn, mà Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, phần lớn người dân kinh tế khó khăn, nên mục tiêu này cũng chưa biết khi nào mới hoàn thành.
Đối với nội dung nhà văn hóa thôn bản, vướng mắc hiện nay là rất nhiều thôn bản, mặc dù có quỹ đất đã được nhà nước hỗ trợ nhưng gặp trở ngại trong việc huy động người dân tham gia đóng góp xây dựng. Đặc biệt là đối với những thôn bản có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Mong muốn của bà con lại là xây dựng nhà 4 gian hoặc nhà sàn, nên việc đóng góp rất lớn, có những thôn bản chia bình quân đầu người lên đến 2 triệu đồng/hộ thì bà con cũng không có khả năng đóng góp.
Trong tổng số 13 xã của tỉnh Điện Biên đạt chuẩn nông thôn mới, có tới 9 xã thuộc huyện Điện Biên. Đây là địa phương có nhiều điều kiện nhất để thực hiện chương trình nông thôn mới trên toàn tỉnh. Mặc dù vậy, chính quyền và người dân ở đây hiện vẫn đang loay hoay với việc trả nợ, cũng như giữ vững các chỉ tiêu, tiêu chí đã được công nhận hoàn thành. Thực tế thì không biết đến khi nào các nội dung này mới có thể hoàn thiện./.
Vũ Lợi/VOV Tây Bắc
Viết bình luận