Đồn biên phòng Sê rê pốc giúp dân phát triển kinh tế
Thứ năm, 00:00, 01/03/2018
VO4.VN - Cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Sê rê pốc (Đắc Lắc) bám sát địa bàn, xây dựng các mô hình kinh tế điểm, giúp người dân vùng biên xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, ổn định cuộc sống.

 

Hơn 10 năm rời quê hương Kiên Giang đến lập nghiệp tại buôn Trí B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, gia đình ông Danh Quân, dân tộc Khmer đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Những ngày đầu đến đây, ông Danh Quân cho biết, cuộc sống ở vùng đất mới rất khó khăn. Không có vốn làm ăn, gia đình ông chỉ rau cháo đắp đổi qua ngày.

Bộ đội biên phòng hướng dẫn dân cách chăn nuôi, phòng bệnh

Đầu năm 2015, gia đình ông Quân được đồn biên phòng Sê rê pốc hỗ trợ 1 cặp bò để nuôi vỗ béo. Cán bộ chiến sĩ thường xuyên đến hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh. Lứa bò đầu tiên, ông lãi được gần chục triệu đồng. Có vốn, cộng với những kinh nghiệm có được từ hồi còn ở quê, ông trồng cỏ quanh vườn xen hơn 200 gốc quýt đường, đầu tư hệ thống tưới tự động vào mùa khô, nuôi heo rừng lai. Ông Quân bảo, nhờ có bộ đội biên phòng tin tưởng và tận tình giúp đỡ, gia đình ông có thêm động lực vươn lên, vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa khích lệ các hộ khác làm theo để cùng thoát nghèo.

Nhiều gia đình khác ở xã biên giới Krông Na đã nhận được sự hỗ trợ của đồn biên phòng Sê rê pốc. Trung tá Lê Hải Thanh, Chính trị viên đồn, cho biết, đơn vị đã xây dựng nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế như chăn nuôi bò nái sinh sản, nuôi bò vỗ béo… Để tạo được niềm tin của người dân, các cán bộ, chiến sỹ chọn các hộ làm điểm trong phát triển kinh tế để làm mẫu trước. Từ đó, tuyên truyền bằng các mô hình điểm để bà con được trực tiếp mắt thấy tai nghe. 

Bà H Aly Ê Ban vui mừng khi có nước sạch để sử dụng quanh năm, không còn phải lo lắng đi xa lấy nước

Krông Na là xã nghèo vùng biên giới ở huyện Buôn Đôn, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên điều kiện sinh sống và sản xuất của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng biên phòng đóng tại địa bàn hỗ trợ để người dân có nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh.

Bà H Aly Ê Ban, dân tộc Ê Đê, ở buôn Ea Mar, cho biết, trước kia để có nước sinh hoạt, dân phải đi rất xa lấy nước. Nguồn nước từ sông suối thì bẩn đục, còn đào giếng thì chỉ có dùng trong mùa mưa mà nước còn nhiễm phèn. Từ năm 2012, buôn Ea Mar được Ban vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” tỉnh Đắc Lắc (Bộ Quốc phòng) tặng giếng nước khoan và bể chứa, vấn đề nguồn nước sinh hoạt cho bà con đã được giải quyết.

Xã Krông Na hiện có gần 1.500 hộ dân, thuộc 13 dân tộc. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 12 triệu đồng/năm.

 

 

 

H'xíu/VOV-Tây Nguyên

 


Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC