Trước đây, gia đình anh Thạch Sơn Minh Cảnh, ở xã Long Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, đời sống rất khó khăn vì ít đất và thiếu vốn sản xuất. Cách đây ba năm, được Ngân hàng Chính sách xã hội xét cho vay 5 triệu đồng, anh có thêm vốn để thuê 3 công đất trồng hoa màu.
Đầu năm nay, anh Cảnh được vay 25 triệu đồng theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, cộng với số tiền dành dụm được, anh cất được căn nhà trị giá trên 40 triệu đồng. Có được căn nhà mới, gia đình anh đón Sene Dolta ấm cúng hơn mọi năm.
"Hiện nay, gia đình tôi làm nghề trồng rẫy. Tôi tranh thủ đi làm thợ hồ để có thêm thu nhập. Kinh tế gia đình năm nay cũng đỡ hơn trước. Và cũng như các gia đình khác, năm nào cũng cúng ông bà, nhưng tôi chỉ làm theo khả năng, đúng nghi thức nhưng tiết kiệm" - anh Cảnh nói.
Bà con Khmer đón Sene Dolta trong không khí đầm ấm và tiết kiệm. Ảnh: baomoi.com
Chị Thạch Thị Thanh Sa Rết, ở xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, chuẩn bị làm thủ tục thoát nghèo cho gia đình, nhờ vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Chị Sa Rết cho biết gia đình không có đất sản xuất, anh chị thuê 2 công đất của hàng xóm trồng rau, tạo thu nhập.
Mặc dù cố gắng làm lụng nhưng chỉ đủ bữa ăn hàng ngày và nuôi con ăn học. Năm 2011, được vay 15 triệu đồng mua 2 con con bò cái để chăn nuôi, đến nay gia đình chị có 5 con bò mẹ, dù giá bò năm nay ở mức thấp, vẫn thu hơn 30 triệu đồng. Số tiền này, cộng với tiền tích lũy từ trước, gia đình đã cất được căn nhà khá khang trang, trị giá 110 triệu đồng ngay trước Sene Dolta.
Chị Thạch Thị Thanh Sa Rết phấn khởi: “Mừng lắm vì được căn nhà mới vững chãi, không lo mưa gió nữa, yên tâm tập trung lo cho con ăn học. Dolta nào cũng tổ chức mâm cơm đơn giản cúng ông bà, bây giờ có nhà mới chắc chuẩn bị mâm cơn khá hơn”.
Là tỉnh đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 30% dân số, những năm qua, Trà Vinh đã tập trung các nguồn vốn hơn 125 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo thêm điều kiện cho đồng bào phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Thu nhập bình quân đầu người năm qua đạt hơn 33,4 triệu đồng/năm, tăng hơn năm trước hơn 3,4 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo là người Khmer giảm hơn 4%/năm…
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó trưởng Ban dân tộc tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Đồng bào Khmer ở xã đặc biệt khó khăn đã tạo được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, chẳng hạn đưa cây màu xuống chân ruộng lúa, ứng dụng nuôi heo sinh học, tăng đàn bò… Rất phấn khởi”.
Sa Oanh/VOV-ĐBSCL
Viết bình luận