Đóng góp thầm lặng của những già làng nơi biên giới
Thứ năm, 00:00, 28/09/2017
VOV4.VN - Tỉnh Lai Châu có 265 km đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Toàn tỉnh có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. Những năm qua, tình hình an ninh dân tộc, tôn giáo, an ninh biên giới luôn được bảo đảm. Kết quả này có đóng góp tích cực của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc. Bài viết của phóng viên Hoàng Thái đề cập vai trò và đóng góp thầm lặng của những già làng ở tỉnh biên giới Lai Châu:

 

Bản Trung Chải, bản cao nhất của xã Sùng Phài, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, có 45 hộ, 232 nhân khẩu đều là dân tộc Mông. Dù ở chót vót trên đỉnh núi nhưng đường đi lối lại ở Trung Chải phong quang, sạch sẽ. Ở Trung Chải có nghề truyền thống nấu rượu từ ngô, ngon nức tiếng. Từ nhiều năm nay, bà con nấu rượu bằng men lá tự làm, trồng ngô, hái chè sạch, cấy lúa nương và chăn nuôi gia súc có chuồng trại.

Đường ở bản Háng Là, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, luôn phong quang, sạch sẽ

Đến nhà già làng Sùng A Chía, trưởng bản, người có uy tín của bản Trung Chải, ông cho biết: không phải tự nhiên bản Trung Chải thay đổi nhiều như vậy. Trước đây bà con theo tập tục cũ, chăn thả gia súc bừa bãi. Ngoài đường đầy phân trâu, phân ngựa. Trong nhà gà, vịt nhảy cả lên chõng, lên bàn. Cứ thấy cây ngô, cây chè bị bệnh là người dân phun thuốc trừ sâu vô tội vạ. Ở Trung Chải từng có người phải nhập viện vì uống nước chè có dính thuốc trừ sâu.

Bây giờ, lên đến đầu bản đã xanh mướt nương chè, nương ngô. Các sản phẩm nông nghiệp của bà con đều sản xuất theo mô hình nông nghiệp sạch. Già làng Sùng A Chía hàng ngày kiên trì vận động, nhắc nhở bà con làm nông nghiệp sạch, hăng say lao động, phát triển kinh tế. Hai mươi năm làm trưởng bản, ông Chía chưa một lần bị bà con phàn nàn. Ước mong lớn nhất của ông là được đi tham quan các mô hình kinh tế và được về Hà Nội viếng Bác Hồ.

Ông Sùng A Chía nói: “Người có uy tín là người gương mẫu, giáo dục bà con, huy động bà con đi trồng chè, làm kinh tế, thu dọn rác sạch sẽ, không nghe lời kẻ xấu. Đấy, chỉ vận động bà con thế thôi. Mình phải nói những điều đúng đắn thì bà con mới nghe. Còn nói về sự quan tâm của nhà nước đối với người có uy tín thì cũng được rồi. Thường xuyên gọi người có uy tín đi họp hành dưới huyện, đi tập huấn. Tôi chỉ có mong muốn nhà nước cho tôi đi thăm Hà Nội một lần”.

Già làng Sùng A Chía (bên phải) trò chuyện với dân bản Trung Chải

Cách bản Trung Chải khoảng 10 km là bản Háng Là, xã Tả Lèng. Cũng nằm cheo leo trên đỉnh núi, bản Háng Là là địa chỉ quen thuộc của du khách với tiếng là “bản văn hóa du lịch cộng đồng”. Người dân bản Háng Là cũng thuần dân tộc Mông, không còn hộ đói, hầu hết đã thoát nghèo.

Ở bản có nhiều gia đình khá giả nhờ chăn nuôi và phát triển du lịch. Những thay đổi trong đời sống của bà con có một phần không nhỏ đóng góp của những người có uy tín, người già trong bản. Về vai trò của người có uy tín trong đời sống, ông Phạm Văn Kiện, Chủ tịch UBND xã Tả Lèng nhận xét:

"Trong thực hiện chính sách cũng như việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật tới người dân thì đóng góp của người uy tín rất lớn, giúp cho người dân hiểu được những chính sách. Người uy tín còn tham gia hòa giải, giúp ổn định đời sống, giữ mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân".

Nhiều người dân vùng cao Lai Châu nghe theo già làng, người có uy tín, tập trung phát triển kinh tế gia đình, không nghe theo kẻ xấu, không vượt biên trái phép

Lai Châu hiện có trên 1.100 người có uy tín. Theo bà Lò Thị Vương, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu: trong 9 tháng năm 2017, Ban Dân tộc tỉnh đã mở 4 lớp tập huấn cho 180 người có uy tín nhằm tuyên truyền các chính sách và nâng cao kỹ năng vận động cho người có uy tín. Hàng năm, tỉnh Lai Châu rà soát để bổ sung người có uy tín cũng như loại khỏi danh sách những người không còn đủ uy tín với cộng đồng.

Nhiều người có uy tín đã phát huy tốt vai trò. Với tâm niệm việc làm của mình là đóng góp cho làng bản, cho chính đồng bào mình có cuộc sống tốt đẹp hơn, họ không đòi hỏi, cũng không nề hà khó khăn trong công việc với tinh thần cống hiến vì cộng đồng.

Tỉnh Lai Châu có 20 dân tộc sinh sống. Bằng uy tín, kinh nghiệm của bản thân, các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín đã thực sự trở thành cầu nối, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào, mang lại cuộc sống ngày càng no ấm hơn.

 

 

 

 

Hoàng Thái/VOV-Trung tâm Tin

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC