Gia Lai: Làng “nhiều không”
Thứ tư, 00:00, 28/11/2018 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Không “điện - đường - trường - trạm”, đói nghèo, ngỡ chỉ có ở núi cao, rừng sâu, nhưng thực tế này lại xuất hiện ở một làng chỉ cách trung tâm huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai chừng 5km.

 

Làng Suối Cạn ở dưới chân núi Chư Plong, với hơn 30 hộ dân tộc Jarai, sống chen chúc trong diện tích vẻn vẹn chỉ khoảng 5 sào đất. Bà con di cư từ nhiều làng khác đến và tự đặt tên làng theo con suối gần đó.

Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện Phú Thiện chừng 5km nhưng ngôi làng này tương đối biệt lập, thiếu các dịch vụ tối thiểu nhất là điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế.

Bà Siu H’Khéo, một trong những người đầu tiên lên khu Suối Cạn sinh sống cho biết, mặc dù rất lo cho tương lai của những đứa trẻ sinh ra ở làng nhưng bà cũng như nhiều người buộc phải lựa chọn sinh sống ở đây vì ít ra còn có đất để dựng nhà. Huyện, xã cũng vận động về khu trung tâm, nhưng về đấy thì lấy đất đâu mà ở. Nếu Nhà nước tạo điều kiện, có đất, có nhà thì bà con ở đây cũng về hết để con cháu được học hành.

Sống cách biệt, đói nghèo, đông con và thất học đang là những bất ổn ở làng Suối Cạn. Làng có gần 80 trẻ em, nhưng hầu hết chỉ quẩn quanh trong làng, đi học chỉ chiếu lệ nên dù học lớp 4, lớp 5 thì vẫn gần như mù chữ.

Nguyên nhân là do đi lại quá khó khăn, muốn đi học thì phải ra trường cách 4-5km, mùa mưa thì đường lầy lội, nước suối dâng cao, bọn trẻ không tới trường được. Mà bình thường thì bọn trẻ cũng phải giúp bố mẹ làm việc nhà rồi chăn bò, làm thuê nên đi học được vài bữa rồi lại nghỉ thôi.

(Trẻ em ở Suối Cạn chẳng mấy khi đến trường- Ảnh: VOV)

Không đến trường hoặc nghỉ học sớm cũng dẫn tới hệ lụy những đứa trẻ ở làng Suối Cạn thường tảo hôn ở tuổi 15-16. Những ông bố, bà mẹ tuổi thiếu niên cũng chẳng quan tâm đến kế hoạch hóa gia đình và có tâm lý càng sinh đông con càng vui. 5 con, 7 con thậm chí 10 con cũng là chuyện thường tình ở ngôi làng nhỏ bé này.

Theo ông Phạm Văn Quyến - Chủ tịch UBND xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, xã đã nắm bắt được tình hình ở làng Suối Cạn từ lâu nhưng chưa thể đưa ra giải pháp hữu hiệu. Bởi đây là làng tự phát theo lối du canh, du cư. Từ lúc chỉ một vài người sinh sống, Suối Cạn cứ thế tăng dần cho đến vài trăm người mà xã không thể quản lý được. Hiện tại, xã chỉ biết chờ giải pháp của chính quyền cấp cao hơn, mà cụ thể là văn bản hướng dẫn của cấp trên về việc hỗ trợ đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số./.

         

 

Công Bắc/VOV Tây Nguyên

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC