Hành trình xây dựng đảng ở Trung Lý
Thứ hai, 00:00, 30/10/2017 Thu Hòa biên tập chương trình + 2 ảnh Thu Hòa biên tập chương trình + 2 ảnh
VOV4.VN - Có người làm thơ: "Bản trắng Đảng viên giữa thung xa lầm lũi/Anh về đây nhen đầm ấm tình người/Một đôi vai gánh hai trọng trách/Quân phục màu xanh lấm đỏ đất chân đồi...". Thành quả của xã Trung Lý hôm nay có sự đóng góp của những cán bộ tăng cường “ba bám, bốn cùng” giúp nhân dân. Trong đó tiêu biểu là trung tá Phạm Văn Tôn.


  

  • Gian nan đưa Đảng về bản Mông

 

Trung Lý - Cổng Trời, nơi xa xôi, cao nhất của tỉnh Thanh Hóa, cũng là nơi khó khăn nhất, 98% số hộ là hộ nghèo. Tội phạm, ma túy, truyền đạo trái phép chưa được ngăn chặn; tình trạng di cư tự do mất kiểm soát...; nội bộ cấp ủy, chính quyền nhiều vấn đề phức tạp.

Từ năm 2006 trở về trước, xã Trung Lý chỉ có duy nhất 1 đảng viên là người dân tộc Mông. 12/12 bản Mông chưa thành lập chi bộ. 5 chi bộ thôn bản trực thuộc cũng hoạt động cầm chừng, năng lực lãnh đạo của Đảng bộ xã rất yếu; công tác bồi dưỡng cán bộ kế cận còn hạn chế.

Tháng 6- 2006, trung tá Phạm Văn Tôn, BĐBP tỉnh Thanh Hóa, được điều động về làm Phó bí thư Đảng ủy tăng cường xã Trung Lý. Biết trước con đường mình đi, nhưng anh Tôn không nghĩ hành trình lại gian nan nhường ấy. Bởi khi cái ăn cái mặc còn khó khăn thì đồng bào không mấy mặn mà việc vào Đảng. Mặt khác, theo điều lệ Đảng, các đối tượng được kết nạp phải học hết bậc THCS, không sinh con thứ 3, trong khi hầu hết người Mông nơi đây trình độ văn hoá còn thấp, đa phần có từ 3-4 con trở lên.

Công việc đầu tiên, anh Tôn và Ban Thường vụ Đảng uỷ làm đơn đề nghị giảm tiêu chí kết nạp Đảng đối với đồng bào Mông và đề nghị của anh được Tỉnh ủy Thanh Hóa chấp thuận. Rồi anh lựa chọn những hạt nhân ưu tú nổi lên từ các phong trào thi đua lao động sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự.

Hành trình gian nan thực sự bắt đầu khi xác minh lý lịch của đối tượng kết nạp đảng, bởi đa phần đồng bào Mông nơi đây đều có quê gốc ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Khi đến Trung Lý một thời gian, họ lại tiếp tục di cư đến các vùng miền khác. Có những trường hợp anh Tôn phải đi 3-4 lần mới có thể xác minh được lý lịch, bởi chính quần chúng đó cũng không nhớ chính xác nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình.

Dấu chân người lính in mải miết trên 20 bản, 16 xã, 10 huyện, 4 tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái. Đợt đi dài nhất là 21 ngày, ngắn nhất là 13 ngày. Muỗi rừng, vắt cắn, sốt li bì, lúc đi bộ lạc đường, có hôm gặp trời mưa ướt hết 90 bộ hồ sơ. Đến khi hoàn thành nhiệm vụ, anh Tôn mừng phát khóc.


  • Khởi sắc ở Trung Lý

 

Giờ đây, trung tá  Phạm Văn Tôn đã có thể vui mừng nhìn thành quả của mình. 12 bản không có đảng viên đã được "xóa", 108 đảng viên người Mông tham gia sinh hoạt ở chi bộ các bản. Các chi bộ tại bản cũng không phải sinh hoạt ghép.

Sau 9 năm trung tá Tôn “3 bám, 4 cùng” với đồng bào, bộ mặt xã Trung Lý thay đổi rõ rệt. Công tác chính trị tư tưởng và công tác cán bộ đã có chuyển biến rõ nét, đời sống của nhân dân được nâng lên. Bà con áp dụng tkhoa học-kỹ thuật vào sản xuất, gieo trồng hai vụ lúa nước với gần 25 ha, năng suất đạt 50 tạ/ha. 2/3 số bản đạt danh hiệu ba không: “Không ma túy, không tệ nạn xã hội và không di cư tự do”.

Anh Tôn chia sẻ với bà con cách trồng giống ngô cho chất lượng cao

Từ những việc làm thiết thực, cùng với sự gần gũi, chân tình của trung tá Phạm Văn Tôn, đồng bào Mông nhận thấy Đảng thật gần gũi, không khó hiểu, trừu tượng như họ nghĩ; Đảng đưa ra cách làm hay để chăm lo cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Từ đó, nhiều quần chúng ưu tú làm đơn xin vào Đảng, các đảng viên trẻ người Mông trở thành hạt nhân đưa chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống... Các tổ chức đoàn thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi lần lượt ra đời.

Những thế hệ quần chúng ưu tú người Mông trưởng thành, vững chãi đứng trong hàng ngũ của Đảng. Lần đầu tiên xã Trung Lý có ba cán bộ người Mông, đó là Trưởng Công an xã Giàng A Lâu, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Sùng A Páo và Bí thư Đoàn xã Giàng Seo Lềnh.

Chú trọng chất lượng, công tác tổ chức cán bộ là hàng đầu, khi đoàn kết thống nhất lòng dân ý Đảng rồi thì đổi mới sáng tạo, tư duy cách nghĩ… đó là quan điểm xuyên suốt của trung tá Phạm Văn Tôn từ khi bắt đầu triển khai nhiệm vụ ở xã Trung Lý đến nay. Và quan điểm đó đã được chứng minh bằng hiệu quả thực tế, góp phần phát triển Đảng ở các chi bộ vùng sâu vùng xa.

 

 

 

 

Thu Hòa/VOV4.VN

Thu Hòa biên tập chương trình + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC