Khi buôn làng bị buộc rời xa nương rẫy
Thứ ba, 00:00, 07/08/2018 THU HA bt THU HA bt
VOV4.VN - Tây Nguyên hiện còn khoảng 30.000 hộ thiếu đất sản xuất, chủ yếu là bà con ở các buôn làng. Nguyên nhân thiếu đất lại xuất phát từ việc thực hiện không đúng chủ trương, chính sách. Nhiều buôn làng buộc phải rời xa nương rẫy, khiến người dân lâm vào cảnh khốn khó.

 

 

Làng Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có gần 70 hộ dân, chủ yếu là bà con người Xê Đăng phải di dời chỗ ở và nhường đất nương rẫy cho dự án Thủy điện Thượng Kon Tum.

Từ năm 2015, chuyển đến vùng tái định cư, mỗi hộ mới chỉ được cấp đất ở và 1 sào đất ruộng bạc màu, gần như không thể canh tác. Thiếu đất sản xuất, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Nhiều người phải lưu lạc đi làm thuê nơi khác hoặc sống lay lắt ở buôn làng.

88 hộ dân ở làng Vương và làng Xô Luông, xã Đăk Nên, huyện Kong Plông, tỉnh Kon Tum đã nhường đất cho Thủy điện Đăk Đrinh. Trước khi triển khai dự án, bà con được hứa sẽ được cấp lại 1ha mỗi hộ. Nhưng đến nay, thủy điện đã đi vào vận hành gần 5 năm, dự án cấp 88ha đất rẫy cho bà con vẫn nằm trên giấy!

Nguyên nhân là do Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh chưa có vốn bố trí cho việc cấp đất này. Ông Đặng Thanh Nam, Phó chủ tịch UBND huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cho biết, chủ đầu tư Thủy điện Đăk Đrinh vẫn còn nợ huyện 85 tỷ tiền đền bù, giải phóng mặt bằng cũng như tái định cư, định canh.

Việc thiếu đất, đói nghèo tại các buôn làng tái định cư thủy điện đã gây nên những bức xúc lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự tại địa phương.

Tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, 1.800ha đất của bà con ở các buôn làng cũng đã bị nhấn chìm dưới lòng hồ Thủy điện Sông Ba Hạ. Viễn cảnh về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân cũng không thành hiện thực.

Hầu hết, người dân chỉ được đền bù tiền chứ không được bố trí lại đất sản xuất. Những nông dân sống gắn với nương rẫy ngàn đời nay giờ đây gần như không có đất để sản xuất.

Buôn Jú, xã Krông Năng, từng là buôn làng trù phú bậc nhất bên dòng sông Ba, mỗi hộ có bình quân 4ha đất, chưa từng nghĩ đến thiếu ăn, nhưng giờ thì thiếu đất, đói nghèo nhiều hộ phải dắt díu nhau lên núi phá rừng làm rẫy.

Khu vực Tây Nguyên hiện có khoảng 190 công trình thủy điện. Hàng chục nghìn hộ dân đã phải di dời, nhường đất để phục vụ các dự án thủy điện. Riêng tỉnh Kon Tum có khoảng 6 nghìn hộ dân với hơn 27 nghìn nhân khẩu phải di chuyển khỏi nơi ở cũ về các làng tái định cư để nhường đất cho các dự án thủy điện.

 (Làng tái định cư Đăk Tăng được bố trí theo kiểu "nhà phố"- ảnh: Công Bắc)

Tuy nhiên,còn quá nhiều bất cập trong công tác tái định cư, thiếu hợp tác, thiếu trách nhiệm của các chủ đầu tư thủy điện và các bộ ngành đối với chính quyền, người dân địa phương.

Theo ông Nguyễn Đức Tuy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, để phục vụ các công trình thủy điện, hàng ngàn hộ dân phải lên núi ở, khó khăn trăm bề. Trước khi đi, chủ đàu tư hứa là di dân lên đời sống tốt hơn nơi ở cũ nhưng không có đất sản xuất, dân thếu đói triền miên. Tỉnh cũng có nhiều văn bản gửi Thủ tướng, Thủ tướng chuyển các bộ nhưng các bộ đều không trả lời.

Cuối năm 2017, Đoàn giám sát của Hội đồng dân tộc Quốc hội đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế khi giám sát các dự án tái định cư thủy điện tại Tây Nguyên. Nhiều dự án tái định cư chưa thực hiện đúng quy định, cam kết và chưa đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân.

Đáng chú ý, việc đưa người dân tách xa nương rẫy, lên những vùng tái định cư “nhà phố”, với diện tích nhỏ, liền kề là tách hẳn người dân khỏi yếu tố văn hóa, tập tục lâu đời.

Quan điểm và chỉ đạo nhất quán của Đảng, Nhà nước là tái định cư thì cuộc sống người dân nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Thế nhưng, thực tế ở nhiều dự án tái định cư thủy điện tại Tây Nguyên thực hiện không đúng chủ trương, chính sách, nhiều buôn làng bị nghèo khó đi vì thủy điện.

Tình trạng bỏ nhà tái định cư để trở về làng cũ, phát nương làm rẫy trở nên phổ biến. Hệ lụy là rừng bị phá, tỷ lệ đói nghèo cao và trẻ em cũng phải nghỉ học để theo cha mẹ mưu sinh./.

 

 

Công Bắc/VOV Tây Nguyên

THU HA bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC