Dự án đầu tư xây dựng công trình đường thị xã Lai Châu (nay là thành phố Lai Châu) đi thị trấn Sìn Hồ được khởi công năm 2011, với tổng vốn đầu tư 915 tỷ đồng.
Đây là một trong những công trình trọng điểm, được tỉnh xếp vào công trình cấp bách, nhằm tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng giao thông để phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo quy hoạch, khai thác tiềm năng của huyện vùng cao biên giới Sìn Hồ.
Đây cũng là công trình đường giao thông cấp IV miền núi, thuộc dự án nhóm B, được người dân huyện vùng cao biên giới Sìn Hồ kỳ vọng khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội lớn để địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Dự án gồm 7 gói thầu, được phê duyệt và thi công năm 2011 và đến năm 2017 đã có 5 trên 7 gói thầu hoàn thành được đưa vào sử dụng, với tổng chiều dài 44/60 km.
Tuy nhiên, do việc bố trí nguồn vốn chậm, cùng với các gói thầu thi công không hợp lý, thiếu tính toán của chủ đầu tư dẫn đến tiến độ hoàn thành chậm. Hiện nay vẫn còn hai gói thầu số 15 và 16, với tổng chiều dài 22km, phía thị trấn Sìn Hồ chưa hoàn thành. Riêng gói thầu số 15 chưa được bố trí vốn, nhưng chủ đầu tư vẫn cho đơn vị thi công đào đường lên rồi để đó, gây cản trở cho việc phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương trong suốt thời gian dài và gây nhiều bức xúc cho người dân địa phương khi lưu thông qua tuyến đường này, nhất là bà con ở xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ.
(Nhiều đoạn dường bị sạt lở khi trời mưa -Nguồn ảnh: báo Lai Châu)
Xã Hồng Thu hiện có 11 bản, với hơn 4.600 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Là một xã thuần nông, điều kiện địa hình đồi núi dốc, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nên tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện vẫn còn hơn 50%.
Mặc dù vậy, khi công trình khởi công vướng vào nhiều nhà dân, bà con đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà thầu thi công, nhiều hộ dân sinh sống ven đường đã chủ động di chuyển nhà cửa, thậm chí có hộ còn hiến đất cho dự án, mong sớm có đường lớn để đi.
Tình trạng đơn vị thi công đào đường lên rồi để đó khiến các loại phương tiện vận chuyển nông sản đi lại rất khó khăn. Khi mưa xuống, bà con trong xã Hồng Thu, nhất là các em học sinh, đi lại rất khó khăn. Đã có một vụ tai nạn dẫn đến tử vong xảy ra trên đoạn đường này.
(Mỗi khi trời mưa, việc đi lại của người dân hết sức khó khăn -Nguồn ảnh: báo Lai Châu)
Ông Hà Văn Phong, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Lai Châu- chủ đầu tư dự án lý giải: việc chậm tiến độ là do Chính phủ yêu cầu hạn chế phát sinh nợ đọng vốn xây dựng cơ bản. Trong khi đó, hiện tại, dự án vẫn còn thiếu hơn 317 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, nên đơn vị thi công chưa có vốn để làm.
Dự án nâng cấp, sửa chữa tuyến đường từ thành phố Lai Châu - thị trấn Sìn Hồ là dự án nhóm B, thuộc công trình cấp bách của tỉnh nhưng đến nay đã hơn 9 năm tỉnh Lai Châu mới bố trí được hơn 60% vốn cho dự án. Trước những gì đang diễn ra khiến cho dư luận đặt câu hỏi tính cấp bách của công trình có phù hợp với thực tế?
Hậu quả của việc đầu tư dàn trải, không tập trung ở tỉnh nghèo Lai Châu đã dẫn đến chỗ thì bố trí vốn nhưng công trình không phát huy hiệu quả, chỗ thì không có vốn nên công trình dở dang, nhà thầu khốn khổ, dân đi lại thì khổ sở. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế- xã hội của huyện nghèo Sìn Hồ!
Liệu còn bao nhiêu dự án ở Lai Châu đang chuẩn bị đầu tư? Bao nhiêu dự án đã khởi công nhưng dở dang chờ vốn như tỉnh lộ từ thành phố Lai Châu- thị trấn Sìn Hồ? Điều này rất cần được làm rõ./.
Thanh Thủy, Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
Viết bình luận