Xã vùng cao Hải Yến thuộc địa bàn huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn có hơn 400 hộ gồm với khoảng 2.000 nhân khẩu, chủ yếu là người Tày, Nùng. Trước kia, người dân nơi đây có tục “thách cưới”, họ quan niệm thách cưới càng cao thì hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ càng bền chặt. Thách cưới có thể quy ra bằng tiền, bằng thịt lợn, bằng bạc, bằng rượu... Đám cưới được tổ chức linh đình trong nhiều ngày, tốn kém và lãng phí.
Anh Long Văn Mịch, Trưởng thôn Tồng Liền, xã Hải Yến, cho biết: Qua công tác vận động tuyên truyền, lệ “thách cưới” vẫn còn nhưng không nặng nề như xưa mà chỉ giữ lại phong tục truyền thống. Nếu như ngày trước đám cưới phải tổ chức mấy bữa liền, thịt lợn càng nhiều càng tốt thì bây giờ vận động bà con chỉ làm 1 bữa thôi.
Ngày trước khách đi ăn cưới còn hay gom đồ, gói đồ ăn mang về nhà thì bây giờ chúng tôi cũng phối hợp với Chi hội Phụ nữ vận động bà con chỉ nên đi ăn cưới thôi, và bỏ đi phần biếu quà cho khách đến ăn cưới. Hầu hết các hộ trong thôn đều hiểu và cảm nhận được rằng những việc như thế hết sức tốn kém và từ đó thực hiện tốt việc đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.
Thời gian qua, việc thực hiện đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều chuyển biến rõ nét
Trong việc tang, theo phong tục từ xa xưa, người dân nơi đây phải để người chết, phải đợi thầy tào thực hiện các nghi lễ, xem ngày giờ tốt, có khi đến hơn 1 tuần mới đem đi chôn cất.
Ông Nông Xuân Viền, người dân xã Hải Yến cho biết: Tôi năm nay đã 72 tuổi, cũng trải qua nhiều giai đoạn, thời kì. Ngày trước khi gia đình nào có việc tang, người ta cứ phải đón các thầy về xong mới nhập quan, rồi xem ngày ra, thường thường phải mất đến hơn 5 ngày. Còn bây giờ đã tiến bộ nhiều hơn rồi, cũng làm đủ các thủ tục, nhưng gọn gàng hơn, đảm bảo vệ sinh hơn. Các thủ tục đã được rút ngắn đi rất nhiều, kể cả thầy mo, thầy tào cũng thực hiện tóm tắt, tóm gọn những nghi thức, nhưng vẫn giữ được những nét phong tục tập quán đặc trưng.
Điều này đỡ đi phần nào công sức của người thân trong gia đình, mọi người xung quanh, hàng xóm láng giềng, không tốn sức, hao của như trước nữa. Mặc dù điều kiện kinh tế khá hơn trước nhưng mọi người đều thấy được sự tiến bộ, văn minh.
Tập tục, thói quen không dễ thay đổi một sớm một chiều. Những hủ tục lạc hậu bị bài trừ sẽ là tiền đề thuận lợi để đồng bào có thể vững bước xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc... Bà Hoàng Thị Phương Huệ, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Khi thực hiện những mô hình điểm như vậy thì nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân đã được nâng lên, việc tổ chức thực hiện việc cưới, việc tang tại các thôn bản đã có nhiều chuyển biến rõ nét, phần nào đã gọn nhẹ hơn, giảm bớt các thủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các phong tục tập quán tốt đẹp thì được phát huy, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Khi những hủ tục lạc hậu bị bài trừ, đó sẽ là tiền đề thuận lợi để đồng bào vững bước xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc...
Phòng Văn hóa thông tin huyện Cao Lộc không chỉ thực hiện qua các cán bộ văn hóa, mà còn thông qua những người uy tín, các tổ chức để tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức đa dạng. Việc liên kết hài hòa là điều vô cùng quan trọng trong công tác tuyên truyền, phải gần gũi với nhân dân, hiểu nhân dân để thì mới có thể đem lại hiệu quả cao.
Tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác xây dựng nếp sống văn hóa nói chung, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, nói riêng. Qua đó việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được quan tâm triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi; Các mô hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt được biểu dương và nhân rộng…
Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản tỉnh Lạng Sơn, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian xứ Lạng nhận xét: Việc tổ chức tang ma, cưới xin của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn nhiều năm nay có sự chuyển biến rõ rệt, không tạo sự nặng nề mà vẫn giữ được những nét đẹp về phong tục tập quán. Qua quá trình thực hiện, việc đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn cũng thể hiện được nét đẹp những truyền thống của từng dân tộc, đảm bảo những truyền thống ấy không bị mai một, góp phần cải thiện đời sống vật chất, đời sống tinh thần cho bà con.
Thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các nội dung hương ước, quy ước của thôn, khối phố; nâng cao chất lượng xây dựng danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.
Cùng với đó, các ngành chức năng cũng sẽ thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức cưới, tang, lễ hội ở các địa phương, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi sai trái, những hiện tượng tiêu cực phát sinh... Từ đó có các biện pháp, cách thức kế thừa chọn lọc và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp của từng địa phương để các chỉ thị, quyết định của Trung ương và của tỉnh thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân./.
Duy Thái/VOV Đông Bắc
Viết bình luận