Mất an toàn hồ đập ở Đắk Lắk: Những quả bom nước chực chờ gây họa
Thứ tư, 10:16, 30/06/2021 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Tình trạng hồ đập hư hỏng, xuống cấp và vi phạm hành lang làm mất an toàn hồ đập tại Đắk Lắk đang rất báo động nhưng chưa được xử lý, là mối đe dọa trong mùa mưa bão.

 

Sau một số trận mưa đầu mùa, mực nước trong hồ thủy lợi Ea Tul 1, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana, đã gần đến cao trình đỉnh. 350 nghìn mét khối nước treo trên thượng nguồn trở thành nỗi lo của nhiều hộ dân sinh sống quanh đây vì con đập ngăn nước đang trong nhóm có nguy cơ mất an toàn. Càng đáng lo hơn, khi có 2 ao nước, được đào ngay dưới chân đập.

Những khi mưa lớn kéo dài nhiều ngày, chân đập bị thấm nhiều nước, hai cái ao này là mối đe dọa, khiến cho hồ thủy lợi bị sạt lở, trở thành quả bom nước, gây họa cho vùng hạ du.

Một người dân sinh sống ở cạnh hồ thủy lợi cho biết, ao này được cấp đất để đào ngay sát chân đập, như vậy là vi phạm luật Đất đai, Luật đê điều. Những đơn vị, cá nhân cấp đất, làm trái pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ao này có diện tích rất lớn,  làm như vậy gây nguy hiểm cho dân sinh. Quả bom nước này chưa biết lúc nào nó sẽ nổ.

Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk  là đơn vị quản lý 14 hồ chứa và 1 đập dâng, trong đó có hồ thủy lợi Ea Tul 1. Việc đào ao ngay dưới chân đập thủy lợi đã được đơn vị phát hiện và báo cáo chính quyền địa phương. Tuy nhiên, sai phạm này vẫn tồn tại trong khi công trình đang mất an toàn.

Đào ao ngay dưới chân đập thủy lợi Ea Tul 1, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana.

Hiện nay, tình trạng vi phạm dẫn đến mất an toàn hồ đập trên địa bàn huyện là phổ biến và việc giải quyết không quyết liệt đang khiến số vụ vi phạm ngày càng tăng.

Ông Nguyễn Đức Phú, Giám đốc Chi nhánh huyện Krông Ana- Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần, vi phạm xảy ra tại hầu hết các hồ thủy lợi trên địa bàn huyện, nhưng chính quyền chưa xử lý nghiêm. Có những trường hợp chúng tôi báo 2-3 lần nhưng vẫn chưa trả lại hiện trạng. Chính điều này làm cho người dân chủ quan, tiếp tục vi phạm.

Trên phạm vi toàn tỉnh Đăk Lăk, tình trạng hồ đập xuống cấp, vi phạm hành lang an toàn cũng diễn ra phổ biến. Trong hàng loạt trường hợp vi phạm, lấn chiếm mà đơn vị phát hiện, có những trường hợp đã được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hàng loạt hồ đập tại Đắk Lắk đã hư hỏng, xuống cấp và mất an toàn.

Cũng như những gì đã xảy ra tại huyện Krông Ana, việc xử lý chậm chạp các hành vi lấn chiếm-xâm hại hành lang hồ đập, càng khiến các công trình thêm mất an toàn.

Ông Trịnh Quốc Bảo, Trưởng phòng quản lý công trình và cơ điện, Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, Hiện nay tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình đang diễn ra tương đối phức tạp, dưới nhiều hình thức. Cá biệt có những công trình chính quyền địa phương đã cấp sổ đỏ trong phạm vi công trình, như cấp trong lòng hồ hay cấp thẳng lên mái đập, hoặc sát chân đập.

Điều này vi phạm các quy định của Luật Thủy lợi, và các quy định khác liên quan. Muốn sửa chữa, nâng cấp hoặc tích nước thì người dân cũng cản trở, xảy ra tranh chấp.

Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 624 hồ đập, trong đó có 14 hồ thủy điện, 610 hồ chứa thủy lợi. Hiện tại, 100 công trình hồ chứa thủy lợi đã bị hư hỏng, trong đó có 12 công trình có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão năm nay.

Nhiều thân đập của các hồ chứa bị sạt lở, xói lở sâu vào thân đập, bị sụt lún, xói ngầm, thấm qua đập. Trong đó, việc xuống cấp, hư hỏng tại các hồ chứa thuộc quản lý của các Công ty cà phê thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam được xác định là nghiêm trọng. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách của tỉnh hạn hẹp, tỉnh cần đến sự trợ giúp từ trung ương mới có thể khắc phục:

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết: Sau thời gian dài sử dụng thì nhiều công trình đã xuống cấp, hư hỏng, nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ. Đây là vấn đề rất lớn, trong khi đó, nguồn ngân sách của tỉnh đang rất khó khăn. Đề nghị Trung ương quan tâm, đầu tư các nguồn kinh phí để nâng cấp sửa chữa các hồ đập mất an toàn. Thứ hai, cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng công ty Cà phê Việt Nam chuyển giao những hồ đập đang được các công ty cà phê quản lý về cho địa phương để đánh giá, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đưa vào quản lý, vận hành khai thác, đảm bảo an toàn và phù hợp các quy định hiện nay.

Những gì đang diễn ra tại Đắk Lắk cho thấy, việc ngân sách eo hẹp, thiếu kinh phí sửa chữa, chỉ là 1 nửa lý do khiến nhiều hồ đập ở Đắk Lắk biến thành những quả bom nước, chực chờ gây họa.

Một nửa lý do còn lại chính là công tác quản lý, xử lý vi phạm lơi lỏng ở tỉnh. Và ở một nửa lý do này, Đăk Lăk không cần chờ hỗ trợ từ trung ương. Nếu tỉnh chủ động, kiên quyết xử lý vi phạm, lấn chiếm hành lang hồ đập, sẽgiúp những công trình này an toàn và tích nước hiệu quả hơn./.


Công Bắc/VOV Tây Nguyên

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC