“Khi chưa có cầu, công tác giảng dạy của giáo viên và học sinh ở trong này gặp rất là nhiều khó khăn. Vào đầu năm trời hay mưa, đường thì rất là trơn, giáo viên đi vào thì hay bị ngã, thậm chí là giáo án, đồ dùng các thứ là có thể bị rơi xuống suối. Xe của giáo viên cũng bị rơi xuống suối và phải nhờ dân hỗ trợ. Cả giáo viên và học sinh thì đều bị lấm lem dẫn đến các cháu đi học không được đều”
“Mình già cả không biết bơi, có lúc phải chờ ở nhà cả ngày để có người kéo hộ qua suối, giờ người già người trẻ qua được hết, chứ ngày xưa người già không qua được, nhiều khi ốm đau, bệnh tật không biêt làm thế nào để ra trạm y tế xã”
Chui túi ni lông để tới trường - Ảnh: VOV
Đó là những ký ức không bao giờ quên đối với cô giáo Nguyễn Thị Dinh, điểm trường Huổi Hạ, Trường Mầm non số 1 Na Sang, xã Na Sang và bà Giàng Thị Pà, 78 tuổi, người dân bản Huổi Hạ. Con suối Nậm Chim hung dữ với những dòng nước xoáy sâu lút đầu người, chảy xiết giờ đã không còn là nỗi lo mỗi khi mùa mưa đến, bởi một cây cầu bê tông chắc chắn đã được đầu tư, gấp rút hoàn thành.
Cây cầu bê tông khang trang, chắc chắn bắc qua suối Nậm Chim dẫn vào bản Huổi Hạ - Ảnh: VOV
Ngay sau loạt phóng sự của Đài Tiếng nói Việt Nam đăng tải vào đầu tháng 9 năm 2018, phản ánh tình trạng “Vẫn còn cảnh học sinh tại Điện Biên phải chui túi nilon vượt suối lũ tới trường”, trước nhu cầu cấp bách đi lại của người dân, học sinh ở Huổi Hạ và các bản lân cận, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án 4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên khẩn trương vào thực địa, lên phương án, vị trí đặt cầu dân sinh bản Huổi Hạ.
Qua kiểm tra thực tế, các tiêu chí đều phù hợp với Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan về giao thông, thời tiết, địa hình hiểm trở, đến giữa tháng 10 năm 2019, cầu dân sinh Huổi Hạ mới được khởi công xây dựng với số vốn 5,7 tỷ đồng, do Tổng cục đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư.
Đến nay, cây cầu bê tông cốt thép khang trang đã hoàn thành và có thể đưa vào sử dụng, với chiều rộng 3,5 mét, dài gần 100 mét, tải trọng tối đa lên đến 10 tấn.
Học sinh Huổi Hạ và các bản lân cận đã không còn phải lội bộ hàng chục Km đường đất để đến trường như trước - Ảnh: VOV
Cô giáo Nguyễn Thị Dinh, điểm trường Huổi Hạ, Trường Mầm non số 1 Na Sang, xã Na Sang, huyện Mường Chà và anh Giàng A Chu, người dân bản Huổi Hạ phấn khởi nói: Có cây cầu thì rất là thuận tiện trong công tác học tập và giảng dạy. Hiện tại khi có cây cầu thì các cháu đã được cải thiện bữa ăn đảm bảo hơn, được ăn đồ tươi và đến thứ 4 thì các cô giáo có thể ra ngoài được thì sẽ chuyển thực phẩm vào. Người dân giờ có bệnh tật, ốm đau gì đi khám bệnh, đi chữa bệnh đi huyện, đi xã cũng đỡ khó khăn hơn.
Những khó khăn về việc đi bè tre qua suối lũ... - Ảnh: VOV
Năm 2019, khi có dự án làm cầu bắc qua suối Nậm Chim, người dân và chính quyền địa phương rất phấn khởi và ủng hộ nhiệt tình, nhiều người dân còn hiến đất để công trình được sớm hoàn thành.
Tháng 2/2020, khi cầu được hoàn thành, công việc đi lại của bà con rất thuận tiện. Con đường từ trung tâm xã vào bản dài khoảng 20km, hiện nay đã được đầu tư đổ bê tông 50%. Đoạn đường còn lại tuy là đường đất, nhưng được mở rộng và làm nền để chờ đầu tư.
Ông Vàng A Pó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Na Sang cho biết: Cây cầu bản Huổi Hạ về phát triển kinh tế xã hội thì bà con rất tự hào, phấn khởi. Thứ 2 mang tính chất chính trị rất quan trọng bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia. Con đường từ trung tâm xã đi về bản Huổi Hạ đã đầu tư được 1/2 đường bê tông rồi, tiếp tục kiến nghị với các cơ quan liên quan quan tâm và đầu tư nửa đường còn lại để cho bà con đi lại không khó khăn nữa.
Sau nhiều năm khó khăn vì cách trở về giao thông, giờ đây cây cầu mới không chỉ tô đẹp thêm cho bản làng, đi lại thuận tiện mà còn củng cố thêm niềm tin vững chắc cho đồng bào các dân tộc nơi đây vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Từ đó tập trung phát triển kinh tế, xây dựng bản làng, quê hương ngày một phát triển hơn trong thời gian tới./.
Vũ Lợi/VOV Tây Bắc
Viết bình luận