Nơi để "vàng" ngoài trời mà không lo mất cắp
Thứ năm, 00:00, 28/09/2017
VOV4.VN - Điểm du lịch sinh thái cộng đồng, bản Sin Suối Hồ, xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, là điểm sáng về an ninh trật tự ở Lai Châu. Hàng nghìn chậu địa lan có giá trị hàng chục tỷ đồng được người dân xếp quanh bản nhiều năm nay, được ví như vàng, mà không hề bị mất cắp.

 

Nằm ở độ cao trên 1.600m, bản vùng cao biên giới Sin Súi Hồ những ngày này luôn tấp nập du khách thập phương tìm về để thưởng ngoạn mây núi và mùa lúa chín vàng của ruộng bậc thang. Du khách về đây đều có chung cảm nhận về sự an toàn, bình yên và không khí trong lành của một bản điển hình vùng cao.

Từ đầu bản đến cuối bản, những hàng chậu địa lan, một loài hoa quý của núi rừng, được bà con nuôi trồng xanh tốt. Loài hoa này thường được bà con bán vào dịp tết Nguyên đán, là tài sản lớn khi có giá trị hàng chục tỷ đồng và là nguồn thu ổn định, mang lại sự giàu có cho bản làng ngày hôm nay.

Ở bản Sin Súi Hồ, địa lan được để ngoài trời mà chẳng hề lo bị mất cắp

Ngạc nhiên về những vườn địa lan quanh bản, anh Bùi Thế Mạnh, du khách từ tỉnh Sơn La đến, cho biết: "Tôi đã đi nhiều nơi và cũng đã nhiều lần đến Sin Súi Hồ. Cảnh quan ở đây rất là đẹp, rất tuyệt vời và người dân thân thiện. Nhiều điểm du lịch khác thường xảy ra trộm cắp, nhưng đến đây, chúng tôi lại cảm nhận được sự yên bình".

Ở bản Sin Súi Hồ, nhà nhà trồng lan, người người trồng lan. Địa lan được đặt ở vườn nhà, dọc đường nội bản và cả ngoài vệ rừng. Dù địa lan nhiều như vậy, nhưng cả nghìn chậu đều một kích cỡ, cùng mẫu chậu và không hề có đánh dấu.

Thế nhưng, bà con chẳng bao giờ lấy nhầm của nhau, cũng chẳng ai bị mất cắp bao giờ. Anh Vàng A Lai, chủ gia đình trồng địa lan nhiều nhất nhì bản bản Sin Suối Hồ, cho biết: "Năm đầu tiên chúng tôi trồng lan thì cũng có vài đối tượng lấy của nhau để đi bán. Xong chúng tôi họp bản, đề ra quy ước, hương ước cho cả bản. Nếu gia đình nào mất chậu hoa thì ghi vào sổ, xong, gia đình nào mất lan thì thống kê tất cả những chậu lan mất ở trong bản này, rồi đổ tội cho đối tượng mà bắt được".

Bản Sin Suối Hồ có 103 hộ người Mông, tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%. Đời sống của bà con nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào làm nương rẫy, du lịch sinh thái cộng đồng và trồng địa lan. Vài năm trở lại đây, cây địa lan được thương lái mua với giá cao, trung bình mỗi chậu có giá khoảng 5 triệu đồng. Cá biệt có chậu giá từ 10-20 triệu đồng. Nhiều hộ trở lên giàu có.

Việc bảo quản các vườn địa lan không chỉ là của riêng gia đình nào mà là ý thức, nhiệm vụ của cả cộng đồng và được bà con luôn chấp hành. Những chậu địa lan và những tài sản có giá trị khác chỉ rời khỏi bản, di chuyển đi nơi khác khi chủ nhân của nó thu hoạch và mang bán. Không có tình trạng trộm cắp, nghiện ngập, không mâu thuẫn xích mích mất đoàn kết, cộng với cảnh quan đẹp và tình người thân thiện, bản vùng cao Sin Súi Hồ đang là điểm đến lý tưởng cho du khách.

 

 

 

 

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC