Tảo hôn ở vùng cao Bắc Kạn
Thứ ba, 15:20, 13/07/2021 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Bố mẹ chấp nhận nộp phạt để cho con kết hôn, sẵn sàng ăn lá ngón tự tử, bỏ nhà đi nếu bị ngăn cản là những khó khăn khi thực hiện ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các bản làng vùng cao tại tỉnh Bắc Kạn.

 

Cổ Linh là xã khó khăn nhất của huyện vùng cao Pác Nặm, người Mông chiếm đến gần 70% dân số. Đây là nơi có tình trạng tảo hôn phức tạp nhất tại tỉnh Bắc Kạn. 

Dù đã giảm nhiều lần so với các năm trước, nhưng chỉ tính từ năm 2018 đến nay, xã Cổ Linh có tới hơn 20 trường hợp tảo hôn. Người trẻ nhất mới chỉ 14 tuổi, có trường hợp là cả vợ, chồng cùng chưa đủ tuổi.

Xã cũng chỉ xử phạt hành chính được vài trường hợp, còn lại do gia đình không tổ chức đám cưới hoặc các cháu đi lấy chồng ở huyện khác, thậm chí tận các tỉnh như Cao Bằng, Thái Nguyên nên việc nhắc nhở, xử lý không thể thực hiện.

( Ảnh minh họa)

Nguyên nhân chủ yếu là do tập tục của người Mông muốn có người về để làm việc nhà nên cho phép con cái kết hôn sớm. Một số phụ huynh tuy không muốn con tảo hôn nhưng lại không có biện pháp khuyên răn kịp thời, đến khi chuyện đã lỡ đành chấp nhận.

Anh Vi Văn Khánh, Cán bộ Tư pháp xã Cổ Linh cho biết: Mình làm căng thẳng, quyết liệt quá thì các cháu lại ăn lá ngón trên rừng tự tử, đã có trường hợp xảy ra rồi, may cấp cứu kịp thời. Các cháu qua phương tiện thông tin đại chúng tự tìm hiểu, tự đi với nhau, có những trường hợp nhà trai mang sính lễ đến rồi mà vẫn không biết tên con rể và địa chỉ ở đâu.

Từ năm 2016 đến nay, chỉ riêng tại các bản làng vùng cao thuộc các huyện như Na Rì, Chợ Đồn, Pác Nặm, Ngân Sơn... đã có hơn 700 vụ tảo hôn và hơn 10 trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Chiếm phần lớn là các em nữ dân tộc Mông, Dao chỉ ở độ tuổi 13-16, nhiều em là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường.

Hiện nay nhiều bậc phụ huynh đã từng bước nâng cao nhận thức nhưng do các em tiếp cận sớm với mạng xã hội, nên khó quản lý cho cả gia đình và nhà trường.

Tại xã Cổ Linh, vài năm trước  đã có trường hợp sau kỳ nghỉ tết, tới 5 cháu học sinh cấp 2 của xã bỏ học lập gia đình. Thậm chí có trường hợp cưới xong vẫn tiếp tục học hết cấp 2.

Ông Hoàng Văn Danh, Chủ tịch UBND xã Cổ Linh cho biết: Các vụ tảo hôn chiếm 60-70% là học sinh trên ghế nhà trường. Giải pháp tốt nhất bây giờ vẫn là tuyên truyền để nâng cao ý thức của các cháu, bên cạnh đó cần có sự giáo dục của bố mẹ, nhà trường và cả hệ thống chúng ta phải cùng vào cuộc.

Từ năm 2015 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã chủ trì phối hợp các đơn vị thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số…với 11 mô hình điểm tại các địa phương tập trung chủ yếu là đồng bào Mông, Dao như huyện Pác Nặm; các xã Bình Trung, Xuân Lạc huyện Chợ Đồn; xã Văn Vũ, Lượng Thượng huyện Na Rì và các xã Cốc Đán, Thượng Quan của huyện Ngân Sơn.

Các mô hình có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều sở, ngành, tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương. Nội dung chính là tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, tuyên truyền, phát tờ rơi, trình chiếu phim bằng tiếng Mông, Dao, tư vấn, can thiệp về pháp luật.

Đặc biệt Tỉnh đoàn Bắc Kạn còn triển khai qua các hình thức sân khấu hóa tại trường học, các thôn bản và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu luật hôn nhân cho học sinh….

Tuyên truyền về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Những năm qua, việc tham gia tuyên truyền phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được xem là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đoàn và thanh thiếu nhi trên địa bàn.

Chị Ma Thị Mận, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Kạn cho biết: Đoàn thanh niên tỉnh đã áp dụng hình thức sân khấu hóa, khéo léo biên tập lại các nội dung quy định pháp luật lồng ghép các tiểu phẩm tuyên truyền để người xem dể hiểu, dễ tiếp thu. Một số cơ sở đã tuyên truyền bằng tiếng Mông, Dao.

Địa bàn được chọn là những nơi vùng cao còn khó khăn. Hiện nay, đoàn thanh niên tỉnh tập trung tuyên truyền với các em thanh, thiếu nhi lứa tuổi dễ trở thành nạn nhân của tảo hôn. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng là đối tượng cần cung cấp thêm kiến thứ, hiểu biết pháp luật, vì nhiều trường hợp tảo hôn có nguyên nhân do sự ép buộc của gia đình.

Nếu như năm 2016, Bắc Kạn có khoảng 200 trường hợp tảo hôn thì năm 2020 đã giảm khoảng 50%, tuy vậy, số vụ vẫn là tương đối lớn và phức tạp. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để xóa bỏ trong một sớm, một chiều là điều không hề đơn giản khi tập tục này đã ăn sâu vào ý thức đồng bào từ nhiều đời nay.

Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết: Theo phong tục của một số dân tộc, từ nhiều đời này họ không muốn lấy chồng, lấy vợ là người dân tộc khác, vì làm như vậy khó chia của cải. Những em được đi học trường dân tộc nội trú, bán trú thì có thể hiểu được vấn đề này nhưng không vượt qua được cửa ải của bố mẹ.

Khó khăn nữa trong công tác này là sự vào cuộc của địa phương, nhất là ở cấp xã. Tuy đã có quan tâm nhưng một số nơi chưa được thường xuyên, nhất là nắm tình hình các thôn bản hay xảy ra tảo hôn, dẫn tới không tuyên truyền thường xuyên, không kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Bà Triệu Thị Thu Phương tham gia một buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Bắc Kạn xác định rõ, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, phong phú các hình thức vận động nâng cao nhận thức của người dân thì sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cũng là rất cần thiết.

Sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đoàn thể từ tỉnh đến tận các bản làng sẽ là yếu tố then chốt để ngăn chặn và xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nơi đây./.

 

Công Luận/VOV Đông Bắc

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC