Chị Hoàng Thị Viết, dân tộc Nùng, nhanh tay gia giảm mắm muối, trộn thêm gia vị cho những món ăn truyền thống. Suốt 23 năm kể từ ngày theo chồng từ Cao Bằng vào Đắc KĐem lập nghiệp, Tết năm nào chị Viết cũng chuẩn bị chu đáo những món ăn đặc trưng của dân tộc Nùng. Chị bảo vừa là để đỡ nhớ quê, vừa giới thiệu với bà con hàng xóm.
“Những món truyền thống là bánh gio này, bánh khảo này, thịt heo hun khói này, lạp xưởng này. Quy trình chế biến thịt heo hun khói là mình cạo lông sạch, xát muối vào rồi ngâm vào trong chậu cỡ ba tiếng. Vớt ra rổ rồi treo lên. Treo lên một, hai tiếng nó rút hết nước rồi là đun lửa để cho khói. Gọi là thịt heo hun khói trên gác bếp” - chi Viết bảo.
Bên ấm trà nóng, thoảng trong gió mùi thơm mát dễ chịu của hương hoa cà phê, thưởng thức phong bánh khảo đặc sản ngày Tết của bà con Tày, Nùng đậm vị nếp thơm, thôn trưởng Nông Văn Ngay cho biết, làng Đắc KĐem có 94 hộ, trên 500 nhân khẩu. Đông nhất là bà con Xơ đăng, 65 hộ. Tiếp đến là người Kinh, 23 hộ; còn lại là bà con dân tộc Ba Na, Tày, Nùng, Thái, Mường.
Ở Đắc KĐem, các gia đình đều coi nhau như anh em họ hàng, không phân biệt kẻ Nam, người Bắc. Tình cảm ấy ngày càng gắn kết, bền chặt.
Ông Nông Văn Ngay nói thế này: “Chung sống cùng một thôn có nhiều dân tộc có cái hay. Hay ở chỗ có những phong tục hội tụ với nhau. Được giao lưu với nhau, học hỏi nhau nhiều. Cuộc sống có giao tiếp có bổ sung, rất là tốt. Qua quá trình sinh sống, cái gì là mình giữ bản sắc riêng của mình là vẫn giữ, còn cái gì chung được là tham gia rất là sôi nổi”.
Tết năm nay, anh A Điệp, dân tộc Xơ đăng, và chị Vi Thị Hương, dân tộc Thái, tổ chức kỷ niệm 18 năm ngày cưới. 18 năm qua, cặp vợ chồng này đã có nhiều thứ, từ rẫy cà phê đi mỏi chân đến phương tiện cơ giới phục vụ việc chăm sóc cho từng loại cây trồng.
Mặc dù ít người nói ra và vợ chồng anh A Điệp cũng không nhận nhưng ai cũng ngầm hiểu cặp vợ chồng này là biểu tượng đẹp của Đắc KĐem. Tình yêu đã giúp chị Vi Thị Hương, một cô gái dân tộc Thái quê Thanh Hóa, trở thành nàng dâu đảm đang của dân tộc Xơ đăng ở Tây Nguyên.
Vợ chồng anh A Điệp và Vi Thị Hương
Chị Vi Thị Hương bảo: “Học hỏi nhau. Tết Tây Nguyên có bánh tét với làm cơm lam. Ở đây Tết không có quà cáp cho ông bà đâu, nhưng mình áp dụng bên nhà ngoại mình sang. Tết đến Xuân về là phải có quà cáp cho ông bà hai bên, bên nội, bên ngoại mỗi thứ một tí”.
Với anh A Điệp, bí quyết để mỗi năm thu nhập cả trăm triệu đồng là biết lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm lao động sản xuất từ các dân tộc anh em chung sống trong làng: “Nếu không có anh em ngoài Bắc sum họp với nhau thì làm ăn rất khó khăn. Mình học hỏi người Kinh thì bây giờ mới khá giả một tí. Còn hồi xưa chưa gặp người dân ngoài Bắc, chưa va chạm với người Kinh thì khó làm ăn lắm, cơm ăn không đủ. Cũng nhờ quan hệ với nhau mới biết làm ăn”.
Ở Đắc KĐem, vui nhất là những ngày Tết. Chỉ cần một vòng quanh làng là đã có một chuyến đi từ Nam ra Bắc. Thưởng thức đặc sản rượu ghè, thịt nướng, cơm lam của người Xê đăng, Ba na đậm vị núi rừng Tây Nguyên; bánh khảo, bánh gio, xôi hấp cách thủy, thịt heo hun khói, lạp xưởng, chả cuốn lá bưởi, măng chua nấu thịt gà…mang phong vị của người Tày, Nùng, Thái, Mường miền Bắc.
Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận