Tín dụng "đen" hoành hành ở Tây Nguyên: Đi vay lãi cao, dân nghèo nghẹt thở (Bài 1)
Thứ ba, 00:00, 27/02/2018
VOV4.VN - Năm 2017 là năm rất thành công của ngành ngân hàng cả nước nói chung, Tây Nguyên nói riêng, khi tất cả đều báo lãi lớn. Tuy vậy, phía ngoài vòng sáng thành công của các ngân hàng, vẫn tồn tại nhiều khoảng tối về tín dụng. Ở vùng tối ấy, hàng vạn hộ gia đình không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, phải vay nợ tư nhân với lãi suất rất cao, khiến cuộc sống mãi ngập trong nợ nần, con đường thoát nghèo bị chặn đứng.

Về vấn đề này, nhóm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên thực hiện loạt bài Tín dụng đen ở Tây Nguyên-tiếng thở dài từ vùng tối”, nhằm làm rõ bức tranh ngột ngạt về kinh tế do phải vay nặng lãi của các gia đình đang sống trong vùng tối của tín dụng; những thủ đoạn và biến tướng của hoạt động cho vay lãi cao hiện nay; những chông gai, cản trở khiến nông dân và ngân hàng khó tìm đến được với nhau. Đầu tiên trong loạt này là bài Đi vay lãi cao, dân nghèo nghẹt thở, đề cập tình cảnh của những nông dân có nguy cơ suốt đời nặng gánh nợ nần, dù họ đã rất cố gắng để thoát nghèo. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi!

 

Chiều cuối năm, gia đình ông Siu Chbai, ở làng Toan, xã Chư Kdăm, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, đi nhổ sắn. Chiếc xe công nông nổ máy xình xình lăn bánh theo từng bước chân người, từng củ sắn to như bắp tay được ném vào thùng xe.

Rộn ràng mùa vụ nhưng Siu Chbai vẫn thở dài sườn sượt, bởi gia đình ông vẫn không thoát cảnh một nghèo hai trắng. Xe công nông là của bà con trong buôn đem đến, giúp cho công việc thu hoạch. Gần 70 tấn sắn vừa thu được, gia đình chẳng cầm được ấm tay. 20 triệu đồng vay tư nhân đã đẻ thêm 130 triệu đồng là tiền lãi khiến gia đình 6 miệng ăn chới với.

Gia đình Siu ChBai đã cố hết sức để làm ăn, nhưng mức lãi 5% mỗi tháng, tức 60%/năm, một con số không tưởng mà có thật, thậm chí phổ biến ở nông thôn Tây Nguyên, dẫn đế khoản nợ tăng lên vùn vụt: “Thực tế, tiền mặt ban đầu họ đưa có 20 chục triệu thôi. Tới bữa nay, nó cộng dồn lại là tới một trăm mấy chục triệu rồi. Năm nào mình cũng trả, trả liên tục đấy nhưng cũng không hết tiền lãi. Tiền lãi, càng tháng, càng năm là càng nặng, là mình không chịu nổi nữa. Tới bây giờ, mình không biết làm sao để có tiền để trả nữa”.

Nhiều gia đình ở Tây Nguyên trở nên kiệt quệ vì tín dụng đen

Gia đình ông Kpă Trơng, ở buôn Mlah, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, càng kiệt quệ. Trong căn nhà mái lủng lỗ chỗ, ánh nắng xuyên vào từng vạt, chỉ có 1 thứ được gọi là tài sản, đó là chiếc radio nhỏ dùng để nghe tin tức. Kpă Trơng buồn rười rượi cho biết, mấy năm gần đây, sắn, ngô, lúa cũng được mùa, được giá, nhưng gia đình ông không cách nào trả được món nợ 30 triệu đồng đã vay cùng mức lãi 60% một năm.

Lãi mẹ đẻ lãi con, khoản nợ gốc cứ tăng theo từng năm, đói nghèo cứ mãi đeo đẳng. “Gia đình tôi có 6 người, cố gắng lắm nhưng cũng  không đủ ăn. Làm sắn thì mỗi năm trả nợ người ta một lần, trả dần dần. Vay của tư thương là 30 chục triệu. Mỗi năm trả họ được 9-10 triệu. Tôi không dám vay tiền nhà nước thì phải trả lãi hàng quý, không có tiền để trả” - ông nói.

Không riêng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, ngay cả những hộ khá ở gần trung tâm các xã, cũng có thể vướng sợi dây thắt cổ của các khoản lãi vay ngoài ngân hàng. Trong số này có chị Lê Thị Vân, ở thôn 14, xã Ea Pal, huyện Ea Kar, tỉnh Đắc Lắc.

Chị Vân vốn là người có kinh tế khá, đã xây được nhà cao cửa rộng nhờ nghề chăn nuôi và mua bán bò. Nhưng cách đây mấy năm, chồng chị lâm trọng bệnh, phải thế chấp nhà đất, vay 200 triệu đồng của ngân hàng để chạy chữa. Không cứu được chồng, trên vai người góa phụ chất thêm gánh nợ lớn đến kỳ phải trả. Xin gia hạn không được, xin khoanh nợ càng không, chị Vân phải vay lãi ngày của tư nhân để đáo hạn. Đáo hạn xong, chị bị các ngân hàng đưa vào “sổ đen” khó đòi, từ chối cho vay. Lãi ngày 0,2% biến thành lãi tháng 6%, rồi thành lãi năm 70%... Chưa đầy một năm, 200 triệu tiền gốc đã đẻ thêm hơn trăm triệu tiền lãi.

Mấy năm nay, các ngân hàng, các chi nhánh được mở rộng nhanh chóng ở khu vực Tây Nguyên. Thế nhưng, tình trạng nông dân phải vay vốn ngoài với lãi suất cao vẫn phổ biến. Thấp nhất, bà con phải chịu mức lãi 36%/năm, còn cao, có thể hơn 70%/năm, cao hơn cả lợi nhuận mà nương rẫy, ruộng vườn đem lại.

Theo UBND huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, huyện duy nhất ở Tây Nguyên có thống kê về tình trạng người dân phải vay nặng lãi, người dân địa phương đang mang nợ tư nhân ít nhất 76 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc chỉ 18 tỷ đồng, nợ lãi tới 58 tỷ đồng. Chủ yếu đối tượng mắc nợ là hộ nghèo và cận nghèo.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, cho biết, nhiều hộ không còn khả năng trả nợ, hệ lụy xã hội của tình trạng này là không dễ để khắc phục: “UBND huyện, Ngân hàng CSXH đang phối hợp rà soát lại những người trước kia đã vay. Nếu đã vay rồi thì bây giờ tập trung vào tiếp tục cho vay sản xuất trực tiếp, nhưng không đưa tiền nữa mà hỗ trợ giống, phương tiện sản xuất. Sau đó thu hoạch thì ngân hàng thu hồi vốn.”

Tây Nguyên, vùng đất màu mỡ bậc nhất cả nước, năm nào cũng mang tới cho nông dân những mùa vàng. Nhưng mùa vàng nào theo kịp những khoản vay tư nhân lãi mẹ đẻ lãi con. Những khoản lãi sinh sôi không ngừng theo ngày tháng, giống như dòng sông chảy xiết, khiến nông dân ngập trong nợ nần, ngăn chặn họ cập bến thoát nghèo.

 

 

VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC