"Cha sinh đất tổ của mình ở đây, mình phải ra đường biên để giữ đất, giữ làng giữ biên cương chứ. Không ai ra đường biên thì lấy ai giữ đất..." - giọng nói của ông Hà Văn Dường vang lên đầy tự hào. Đứng nơi cột mốc 1314 cạnh bờ suối biên giới Việt - Trung, đôi mắt người đàn ông dân tộc Tày sáng bừng mỗi khi nói với chúng tôi về những cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhà ông chỉ cách cột mốc này vài trăm mét, nơi những khóm hoa vàng đang nở rộ đón xuân về. Ông bảo, huyện Bình Liêu có 68 cột mốc biên giới, ông thuộc từng vị trí như lòng bàn tay. Sau những năm chiến tranh sơ tán vào sâu trong huyện, cũng vì nhớ biên, nhớ cột mốc mà gia đình ông lại trở về bản Nà Sa, mặc cho khi ấy, nơi đây chỉ là một dải heo hút, đất đồi cằn lên sỏi đá. Những năm 1990, bộ đội, bà con trong bản xắn tay dựng cho ông căn nhà đất đơn sơ để kịp đón Tết, còn ông lại theo bộ đội biên phòng đi khảo sát đường biên để cắm mốc, cùng trông coi vật liệu, cùng làm kè biên giới.
Những cột mốc bằng đá hoa cương vững chãi, những đường kè bê tông uốn lượn quanh bờ suối dọc biên, luôn ghi dấu tâm huyết, tình cảm và biết bao công sức của bà con các dân tộc nơi đây. Có mốc rồi, không còn chuyện xâm canh, xâm cư, cây trồng xuống phải nhổ lên như ngày xưa nữa. Rồi nước ào ạt theo mương về, không chỉ làm ruộng, bà con còn mở rộng sang trồng cam, trồng cây công nghiệp, góp phần đem lại thu nhập ngày dần ổn định hơn. Từ những mái nhà tranh đơn sơ, Nà Sa hôm nay đã rợp ngói đỏ, thấp thoáng trong sương mờ còn có những nóc nhà cao tầng kiên cố giữa những tán rừng xanh ngút ngàn.
Từng là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nà Sa, ông Hà Văn Dường chia sẻ về nền tảng vững chắc để bà con các dân tộc ở Nà Sa từng bước vươn lên trong cuộc sống: "Bà con ai cũng hiểu là an ninh tốt thì bà con biên giới mới an tâm sản xuất nên cứ thấy cái gì lạ vào bản mình, đối tượng khả nghi phải báo cho biên phòng, công an xã để giải quyết. Chỉ cần một cuộc điện thoại thôi là bà con sẵn sàng...".
Ông Hà Văn Dường không phải là người duy nhất ở Bình Liêu coi việc bảo vệ cột mốc chủ quyền quốc gia thiêng liêng là nhiệm vụ của mình. Từ cột mốc 1300 nơi ngã 3 tiếp giáp giữa 3 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh (Việt Nam) với Quảng Tây (Trung Quốc) cho tới cột mốc 1327 trên đỉnh núi bản Phặt Chỉ, mỗi cột mốc ở Bình Liêu đều in dấu chân của bà con các dân tộc nơi đây. Dù là người dân tộc Dao, Tày hay Sán Chỉ, Sán Chay, họ đều tự nguyện tham gia vào tổ tự quản, ngày ngày cùng chăm sóc và bảo vệ cột mốc quốc gia. Không ai có thể đong đếm những bước chân thầm lặng mà họ đã đi trên những cung đường tuần tra nơi biên thùy.
Đứng nghiêm trang chào cột mốc quốc gia, chúng tôi mới cảm nhận được phần nào những gian khó của các chiến sĩ biên phòng. Có cột mốc ở ngay bên đường, chỉ đi vài bước chân là tới. Nhưng cũng có cột mốc như 1326, nằm trên đỉnh núi cheo leo nhìn xuống thung lũng mênh mông. Hay cột mốc 1305, chúng tôi phải xuyên rừng, vượt núi qua những lối mòn nhỏ như sợi chỉ bò trên đỉnh núi để có thể tới nơi mây trắng ôm quanh những cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc.
Thượng tá Bùi Đức Hạnh, Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô, chia sẻ, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trong tình hình mới”, Đồn đã xây dựng Tổ tự quản đường biên cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn bản với sự tham gia tích cực của người dân. Những ngày đầu gặp không ít khó khăn, 6 dân tộc với ngôn ngữ khác nhau, phong tục cũng khác biệt, các anh phải kiên trì cùng các già làng, trưởng bản vận động, thuyết phục, rồi cùng xắn tay giúp bà con dựng nhà, chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình, chăm lo đời sống tinh thần của người dân các thôn bản.
Bà con tin yêu rồi thì bất kể có vấn đề gì trên biên giới, trên cột mốc đều thông báo kịp thời cho bộ đội, cùng bộ đội làm tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới, bảo vệ chủ quyền quốc gia. “82 thành viên tổ tự quản của chúng tôi chính là những “cột mốc” đấy”, câu nói của đồng chí Thượng tá biên phòng khiến mỗi người trong chúng tôi đều phải suy ngẫm và cảm phục về tình cảm gắn kết quân dân nơi biên giới, về tình yêu Tổ quốc của bà con các dân tộc nơi đây.
Hơn 40 km đường tuần tra biên giới ở Bình Liêu nơi vùng Đông Bắc mà chúng tôi vượt qua, dù chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng nghìn km đường tuần tra biên giới, nhưng cũng đủ để chúng tôi cảm nhận được về những “cột mốc vững chắc” trong lòng người dân. Mỗi “cột mốc” ấy là một dấu son trên các nẻo đường biên của tổ quốc, cùng tô đậm dáng hình đất nước.
Bình Liêu (Quảng Ninh) sở hữu cung đường tuần tra biên giới đẹp ngây ngất nhưng vô cùng hiểm trở
Một phần đường tuần tra biên giới bám theo dòng suối tự nhiên
Đường lên mốc 1305 kỳ vĩ, được ví như "sống lưng khủng long" vùng Đông Bắc
Trên đường tuần tra luôn có dấu chân của đồng bào song hành cùng chiến sỹ biên phòng
Gắn kết tình quân dân là cơ sở để đồng bào tin yêu và góp sức cùng bảo vệ biên cương của Tổ quốc
Trường Giang/VOV-Đông Bắc
Viết bình luận