Năm 2006, phục vụ dự án thủy điện Sơn La, 369 hộ, trên 2 nghìn nhân khẩu từ xã Chiềng Bằng chuyển về 10 điểm tái định cư ở xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Khi đó, điểm bản Lọng Mương gặp khá nhiều khó khăn, do không có ruộng nước, chỉ có đất đồi nương, trồng ngô, sắn hiệu quả không cao, lúng túng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Trước tình hình này, chính quyền xã, bản tập trung bàn bạc với dân hướng phát triển kinh tế, chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và chuyển hướng sang trồng cây ăn quả trên đất dốc thay thế diện tích trồng ngô sắn không hiệu quả. Cùng với đó là cải tạo vườn tạp, trồng rau xanh để phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
Ý Đảng hợp lòng dân, với sự giúp đỡ của chính quyền và bà con sở tại, sự năng động của chính quyền bản, cùng ý thức nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân, đến nay, bà con dân bản Lọng Mương đã trồng được khoảng 10 ha cỏ voi để làm thức ăn cho đàn gia súc gần 500 con, chủ yếu là trâu, bò, lợn, dê…Nhiều hộ dân đã thoát nghèo từ chăn nuôi đại gia súc.
Ông Lò Văn Mấng, một trong những hộ chăn nuôi bò nhiều nhất tại bản Lọng Mương cho biết: Ngoài vào rừng cắt cỏ về cho bò ăn, thì gia đình còn trồng cỏ voi để làm thức ăn cho bò. Mùa đông thì chủ động che chắn chuồng trại không để gió lùa, mùa nóng thì bỏ vải bạt ra, nền chuồng phải được vệ sinh sạch sẽ, cũng như tiêm phòng định kỳ cho đàn bò. Phân bò thì dùng để bón cho cỏ voi, cây ăn quả, nương ngô. Nuôi bò có lãi hơn so với trồng ngô, sắn trước đây.
(Ông Mấng bên chuồng bò của gia đình - Ảnh: VOV)
Rời quê cũ vì công trình thuỷ điện Sơn La, gắn bó với bản mới Lọng Mương đã hơn 10 năm, đến nay, cuộc sống của 85 hộ dân, với hơn 390 nhân khẩu đồng bào Thái ở đây đã có nhiều khởi sắc, thu nhập bình quân đạt 26 triệu/người/năm; cả bản chỉ còn 7 hộ nghèo; tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của bản mường được gìn giữ, phát huy.
(Một mùa xuân mới đang về trên quê hương Lọng Mương- Ảnh: VOV)
Tết đến xuân về, như các năm, năm nay, Ban quản lý bản cũng tổ chức họp bản, bình xét giúp đỡ những hộ còn khó khăn bánh chưng, ít tiền mặt để nhà nhà đều có tết. Ngoài ra, các đội văn nghệ cũng chuẩn bị các tiết mục múa xoè, trống chiêng, các trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy, tó mák lẹ, làm sao để bà con đón Tết vui xuân trên quê mới vui vẻ, ấm cúng, thắt chặt thêm tình đoàn kết.
Theo ông Hoàng Văn Học, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Giôn Đây cũng là bản làm điểm đầu tiên để các bản khác đến học tập kinh nghiệm phát triển đàn gia súc. Đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò, phải nuôi nhốt, gắn phát triển kinh tế với tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tới đây, Mường Giôn sẽ triển khai nội dung này đến tất cả 19 bản trong toàn xã.
Xuân nơi quê mới Lọng Mương, trong những ngôi nhà sàn mái ngói đỏ tươi khang trang, bà con đoàn kết tình làng nghĩa xóm xây dựng bản mường ngày một ổn định, phấn đấu trở thành điểm sáng của các bản tái định cư nơi này./.
Tòng Đức Anh/VOV Tây Bắc
Viết bình luận