Khó khăn trong điều trị bệnh bạch hầu ở Kon Tum
Thứ ba, 00:00, 27/11/2018 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Bệnh bạch hầu xuất hiện trở lại tại tỉnh Kon Tum, lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, công tác điều trị ở địa phương này đang gặp khó khăn do thiếu thuốc đặc trị.

 

Bệnh bạch hầu xuất hiện trở lại khiến 02 trường hợp tử vong. Sau hơn 5 tháng phát hiện ca bệnh đầu tiên, tính đến trung tuần tháng 11 ngành y tế tỉnh Kon Tum đã ghi nhận tại ba huyện, Đăk Hà, Đăk Tô và Tu Mơ Rông có tới 6 ổ dịch bạch hầu.

Không chỉ lây lan ở khu dân cư, một ổ dịch bạch hầu còn được phát hiện tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Đăk Tô. Giữa tháng 11 vừa qua 4 em học sinh trường này được đưa tới cấp cứu tại Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum  và cả 4 đều có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Bác sĩ A Nhôm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô khẳng định, sau khi bệnh bạch hầu bùng phát mạnh vào tháng 10, ngành y tế tỉnh Kon Tum đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn bệnh lây lan, song bệnh bạch hầu tại địa phương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Điểm đầu tiên tại làng Tê Peng, xã Đăk Trăm. Có 04 người dương tính với bệnh bạch hầu là ở xã Văn Lem, Pô Kô và một thôn thôn của người đồng bào dân tộc thiểu số là Đăk Rao.

( Ảnh minh họa)

Trong lúc ngành y tế tỉnh Kon Tum chưa thể kiểm soát bệnh bạch hầu lây lan ngoài cộng đồng thì tại Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, việc điều trị cho các bệnh nhân đang gặp nhiều khó khăn.

Theo thiết kế Khoa này có chỉ tiêu 20 giường bệnh nhưng thực tế số lượng bệnh nhân luôn gấp rưỡi thậm chí là gấp đôi. Do số lượng bệnh nhân đông, cơ sở vật chất thiếu thốn nên việc cách ly các bệnh nhân bị bệnh bạch hầu được thực hiện khá sơ sài, yếu tố cách ly không được thực hiện một cách triệt để.

Ngoài ra các bệnh nhân bạch hầu chỉ được điều trị bằng kháng sinh, dịch truyền nhằm nâng cao thể trạng. Bác sĩ Ngô Đây, Trưởng Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết, bệnh viện hiện không có loại thuốc quan trọng nhất để điều trị cho bệnh nhân bị bạch hầu, đó là thuốc huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, một loại thuốc hàng đầu để điều trị bạch hầu.

Tuy nhiên, loại thuốc này phải nhâp khẩu từ nước ngoài. Mặc dù Sở Y tế Kon Tum đã có văn bản gửi Bộ Y tế ngay từ tháng 5/2018, khi xuất hiện ổ dịch bạch hầu đầu tiên ở Kin Tum, nhưng đến tận tháng 10/2018, Cục Quản lý dược mới có văn bản trả lời và theo bác sỹ Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum, lô huyết thanh kháng độc tố bạch hầu hiện đã nhập về Việt Nam, song vì nhiều lý do, sớm nhất phải đến đầu tháng 12, ngành y tế Kon Tum mới có huyết thanh điều trị cho bệnh nhân.

Như vậy với việc chưa thể kiểm soát bệnh bạch hầu lây lan ngoài cộng đồng, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị cho bệnh nhân, ngành y tế tỉnh Kon Tum đang gặp nhiều khó khăn trong ngăn chặn, điều trị loại bệnh có nguy cơ tử vong cao với nhiều biến chứng nguy hiểm này./.

 

Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC