Họa mi lảnh lót giữa đại ngàn
Thứ ba, 12:15, 27/04/2021 Thu Ha Thu Ha
VOV4.VN - Người con của vùng đất đỏ ba-zan, “họa mi của núi rừng Tây Nguyên” – NSND - Đại tá Rơ Chăm Phiang đã thỏa mãn niềm ao ước bấy lâu khi vừa có một đêm diễn live show thành công rực rỡ ngay trên quê hương chị - thành phố Pleicu, tỉnh Gia Lai.

 

Với sự góp sức của Ban Liên lạc những người tham gia hoạt động cách mạng trong các thời kỳ kháng chiến, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai và UBND thành phố Pleiku, tiếng hát họa mi Rơ Chăm Phiang đã vút cao giữa đại ngàn Tây Nguyên trong sự hưởng ứng nhiệt liệt của đông đảo người dân phố núi Gia Lai.

Đêm nhạc đã để lại nhiều dấu ấn đẹp, đánh dấu chặng đường 40 năm gắn bó với sự nghiệp ca hát của nữ nghệ sỹ.

(Đêm nhạc để lại nhiều dấu ấn đẹp - Ảnh: VOV)

Những tràng pháo tay liên tục vang lên sau mỗi bài hát từng gắn bó với tên tuổi của NSND- Đại tá Rơ Chăm Phiang như: Tháng ba Tây Nguyên, Cánh chim báo tin vui, Người lái đò trên sông Pô Kô, Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên, Bóng cây Kơ nia và một bài hát mới lần đầu tiên được NSND  Rơ Chăm Phiang biểu diễn trên sân khấu- đó là Mùa xuân Tây Nguyên”, một sáng tác của  NSƯT Trần Luận.

Hội trường Cung Văn hóa thiếu nhi thành phố Pleicu như một ngôi nhà ấm ôm trọn tiếng hát Rơ Chăm Phiang với những thanh âm lảnh lót của một loài chim quý vút lên từ bản hòa thanh hoang sơ, hùng vĩ của cao nguyên đại ngàn.

(Với NSND Rơchăm Phiang, đêm nhạc tối 24-4 tại Pleiku là một cuộc trở về đầy cảm xúc - Ảnh: VOV)

Rơ Chăm Phiang là một trong những cái tên mang lại tự hào cho âm nhạc Việt Nam. Chị là người con của dân tộc Jrai, từng được mệnh danh là "Họa mi của núi rừng Tây Nguyên" nhờ giọng hát vút cao, khỏe khoắn và được đánh giá là giọng ca hiếm của nền thanh nhạc Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên ở xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, Rơ Chăm Phiang đi theo cách mạng và đến với ca hát khi mới lên 9 tuổi.

Chị đã có những năm tháng hoạt động trên khắp các chiến trường ác liệt Phan Rang, Phan Thiết, Đak Lak, Nha Trang, Quy Nhơn,… để hát cho bộ đội nghe, giữa cảnh bom rơi đạn nổ và những trận phục kích, càn quét của địch, trong màu áo bộ đội của Đoàn văn nghệ xung kích B3 và Đoàn văn công Quân khu 5.

Ít ai có thể ngờ rằng, cô bé Jrai nhỏ nhắn có giọng ca trong trẻo như họa mi năm ấy đã vượt qua những rào cản khó khăn về ngôn ngữ, trở thành một trong số hiếm hoi những ca sĩ được đào tạo chính quy, bài bản bậc nhất ở Việt Nam.

Chị may mắn được theo học các bậc thầy về thanh nhạc như: Nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La, Cố Giáo sư - NSND Nguyễn Trung Kiên, Giáo sư – Nhà giáo Nhạc viện Tchaicopxki Pesarenk…. 

Rơ Chăm Phiang tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Tốt nghiệp hệ Đại học chính quy dòng nhạc thính phòng cổ điển và bảo vệ học hàm Thạc sĩ thanh nhạc tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Chị từng nhiều năm hoạt động biểu diễn trong Đoàn ca múa Quân khu V, Đoàn ca múa Tổng cục chính trị - Quân đội nhân dân Việt Nam. Đạt bằng xuất sắc sau hai năm tu nghiệp tại Học viện Tchaicopxki (Liên Bang Nga) theo xuất học bng của Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam.

Rơ Chăm Phiang là cái tên không thể nhầm lẫn với bất kì ai khi thể hiện những ca khúc về Tây Nguyên đại ngàn. “Hoa mi” Rơ Chăm Phiang chinh phục người nghe bởi giọng nữ cao trong sáng, đầy đặn, khỏe khoắn, một giọng ca  phóng khoáng, không ràng buộc, như đất và người Tây Nguyên.

(Rơ Chăm Phiang là cái tên không thể lẫn khi thể hiện những ca khúc về Tây Nguyên - Ảnh: VOV)

Chị hiện đang là Giảng viên thanh nhạc của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Công việc giảng dạy cũng đặt ra cho chị nhiều thách thức.

“Việc đào tạo các nghệ sĩ theo dòng nhạc cổ điển, opera đòi hỏi sự kiên trì và hơn hết là phải biết truyền lửa để các em yêu thích dòng nhạc này. Dòng nhạc thính phòng, cổ điển có cái khó riêng, đòi hỏi nghệ sĩ phải dành nhiều thời gian học tập, rèn luyện, nhưng khi ra trường chưa hẳn đã có chỗ đứng ngay. Nhiều em học xong, khi biểu diễn nhận được mức cát xê thấp hơn ca sĩ nhạc pop nên rất nản. Tôi từng trải qua cảm giác ấy và giờ giữ vai trò giảng dạy, tôi luôn cố gắng giữ cho các em ngọn lửa đam mê với dòng nhạc này”- Nghệ sỹ Rơ Chăm Phiang chia sẻ.

Trong đêm nhạc đầu tiên được tổ chức trên quê hương Gia Lai, một trong những học trò xuất sắc của chị đã góp vui cùng chị với bài hát “Khúc hát sông quê”, đó là ca sỹ Huyền Trang - Quán quân Sao Mai 2013.

(Ca sỹ Huyền Trang - học trò xuất sắc, góp vui cùng chị - Ảnh: VOV)

Niềm vui của chị như được nhân lên gấp bội khi có sự tham gia biểu diễn của những người bạn nhiều năm gắn bó với chị như: NSƯT Quang Mạo (Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị), NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nghệ sĩ Ưu tú Hoa Đăng-Phó Chủ nhiệm Khoa Nhạc cụ truyền thống (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Nghệ sĩ Ưu tú Trần Luận (Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam).

(NSND Phạm Ngọc KhôiPhó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam biểu diễn cùng chị - Ảnh: VOV)

(Nghệ sĩ Ưu tú Trần Luận (Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam tham gia đêm diễn - Ảnh: VOV)

Đặc biệt, có tới 30 người dân làng Bua (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) của chị cũng trực tiếp tới xem chị biểu diễn. Càng xúc động hơn khi 600 ghế trong hội trường Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku chật cứng, khiến Ban tổ chức phải kê thêm 100 ghế ngoài sân và bố trí màn hình led cỡ lớn để phục vụ những khán giả yêu mến giọng hát Rơ Chăm Phiang.

(Người dân làng Bua trực tiếp tới xem chị biểu diễn - Ảnh: VOV)

NSND Phạm Ngọc Khôi đã giành những lời nhận xét đầy yêu mến khi nói về nữ nghệ sỹ Rơ Chăm Phiang: Điều đặc biệt là trong tâm hồn chị Rơ Chăm Phiang, âm nhạc của Tây Nguyên bao giờ cũng rất bừng sáng. Chị không những giữ gìn được bản sắc dân tộc, giữ được hồn cốt của tiếng hát Việt Nam mà chị còn tiếp cận được với tinh hoa âm nhạc thế giới. Chị có năng khiếu thiên phú, lại gặp được một môi trường đào tạo rất tốt của quân đội. Chị đã trở thành một người nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn. Những tác phẩm của chị trình diễn là những tác phẩm đỉnh cao của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Vậy là giờ đây, chim họa mi của núi rừng đại ngàn Tây Nguyên đã thỏa ước nguyện khi được dem tiếng hát phục vụ những người dân ngay trên quê hương mình- mảnh đất Gia Lai đầy nắng gió.

Tiếng hát đó đã bay ra khỏi buôn làng, mang nhiều niềm vui đến cho mọi người và lan toả tình yêu quê hương đất nước qua những bài hát để đời.

Dù đã ở tuổi 60, ít biểu diễn trên sân khấu hơn, NSND- Đại tá Rơ Chăm Phiang vẫn mong tiếp tục được mang lời ca tiếng hát của mình đến với đồng bào, chiến sĩ nơi biên giới và hải đảo, giúp họ thêm yêu quê hương, đất nước Việt Nam tươi đẹp.

Và chị vẫn đau đáu một điều là làm thế nào để các em thế hệ sau tiếp nối truyền thống của những người con Jrai đi trước, làm vẻ vang cho buôn làng cũng như vùng Tây Nguyên quê hương chị./.

(Thu Hà)

 

Thu Ha

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC