VOV4.VOV.VN - Tháp Chăm được phục dựng nguyên mẫu quần thể tháp Po Klong Garai ở Ninh Thuận theo tỉ lệ 1:1, là điểm nhấn trong tổng thể Khu các làng dân tộc III, Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Quần thể tháp Chăm tại làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam với 3 tháp: Tháp cổng, tháp chính, tháp hỏa.
Với người Chăm, ngôi tháp cổ Po Klong Garai là ngôi tháp thiêng, phụng thờ vua Po Klong Garai.
Tại Ninh Thuận, hàng năm, người Chăm tổ chức rất nhiều lễ hội lớn ngay tại quần thể tháp Chăm như lễ mở cổng tháp, lễ cầu mưa, lễ hội Kate – lễ hội lớn nhất trong năm của đồng bào.
Năm 2008, quần thể tháp Chăm được khởi công xây dựng tại làng văn hóa với tỉ lệ tương đương với cụm tháp Po Klong Garai ở Ninh Thuận. Ngày 23/11/2021, công trình được khánh thành.
Những nghi thức quan trọng như hô thần nhập tượng, mở cửa tháp do chính những thày Cả người Chăm thực hiện theo đúng nghi thức truyền thống của người Chăm ở Ninh Thuận, đem đến tính thiêng cho quần thể tháp Chăm.
Đây là công trình quan trọng trong tổng thể của Khu các làng dân tộc III, góp phần quảng bá, lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào Chăm, hòa cùng không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc Việt Nam.
Hiện, quần thể tháp Chăm tại làng văn hóa là điểm đến hấp dẫn khách du lịch với vẻ đẹp kiến trúc và nhiều hoạt động văn hóa diễn ra tại tháp cho Làng tổ chức.
The media could not be loaded, either because the server or network failed or because the format is not supported.
Beginning of dialog window. Escape will cancel and close the window.
End of dialog window.
Tại không gian quần thể tháp Chăm, Làng văn hóa tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ do bà con người Chăm thực hiện đã lôi cuốn du khách.
Quần thể gồm 3 tháp: Tháp cổng, tháp chính, tháp hỏa. Phía trên tháp cổng có 1 sân cao – gọi là sân hành lễ: chỉ dành cho các vị chức sắc Bà La Môn giáo hành lễ.
Được biết, để có được quần thể tháp đó, phải mất hơn 3 năm thử nghiệm và hơn 4 năm xây dựng. Gạch được lấy mẫu đất địa phương và nung ở nhiệt độ dưới 950oC để đảm bảo độ cúng cũng như màu sắc của gạch.
Ở đây, người thợ sử dụng phương pháp xây mài chập, không xây gạch. Họ mài 2 viên gạch vào nhau để tạo độ bằng phẳng chứ không dùng máy để mài theo phương pháp thông thường.
Tháp Chăm không xây bằng vật liệu vôi, vữa, xi măng. Chúng kết dính bằng loại keo được chế từ một loài cây thực vật theo người dân địa phương gọi đó là cây dầu rái. Ngoài Bắc gọi là dầu nước, dầu sơn.
Có nhiều giả thiết về người Chăm xây dựng quần thể tháp với mật mía, sáp ong. Thậm chí nung cả khối.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2005, khi các nhà khoa học ở trường đại học Mi Lan ở ý nghiên cứu cụm tháp G ở Mỹ Sơn – Quảng Nam đã phát hiện ra 1 giả thuyết chính là chất kết dính từ một loài cây thực vật người dân Quảng Nam gọi đó là cây dầu rái. Vì vậy, các nhà khoa học đã lấy giả thuyết này để phục dựng lại quần thể tháp.
Sử sách của người Chăm có ghi lại: “Khi những kiều phu lên rừng lấy nhựa cây dầu rái, họ đi từ nửa đêm khoét ở thân cây một cái lỗ to bằng quả dừa, cho lửa vào đó đun liên tục. Thân cây đau đớn ứa ra một loại nhựa. Họ lấy nhựa đó về đun ở nhiệt độ từ 80 đến 110 độ là nhiệt độ tạo ra sự kết dính lý tưởng”.
Và chính vật liệu kết dính này cùng với những viên gạch được chế tác công phu tỉ mỷ đã tạo nên quần thể tháp Chăm sừng sững, hiên ngang trường tồn với thời gian.
Cùng chiêm ngưỡng quần thể tháp Chăm tại làng văn hóa:
Tháp cổng. Nơi đây có hai cửa thông nhau và có 3 tầng với tổng diện tích 36 m2, trên độ cao nền 1,08 m, đây là nơi đón tiếp khách của nhà vua.
Phía trước tháp cổng có một sân cao - nơi các vị chức sắc tôn giáo Bà La môn hành lễ
Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá tín ngưỡng, nghệ thuật của đồng bào dân tộc Chăm, có tổng diện tích 65 m2, cao hơn nền sân chính là 0,9 m.
Cạnh bên là tháp hỏa. Theo phong tục trước kia đây là nơi để giữ lửa nay là nơi để các lễ vật hoặc là nơi để các vị chức sắc đọc kinh trước khi hành lễ.
Đối diện với tháp cổng là tháp chính - nơi thờ Po Klong Garai
Tháp chính có chiều cao trên 21m. Tháp có 4 tầng và tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới. Ở mỗi tầng có 4 tháp nhỏ và ở mỗi góc tháp có gắn rất nhiều tai lửa, biểu tượng cho ngọn lửa thiêng.
Đặc biệt, tháp có 4 cửa nhưng chỉ có một cửa mở về hướng đông. Theo quan niệm của người Chăm, hướng đông là hướng của thần thánh. Còn lại là 3 cửa giả.
Cửa vào tháp chính. Trên mỗi cửa tháp có gắn những phù điêu của các vị thần phương hướng. Cửa hướng đông là phù điêu thần Si Va được làm từ đá sa thạch. Trên đỉnh tháp có 4 con linh vật quay về 4 hướng: Biểu tượng bò thần Nandi – vật cưỡi của thần Siva, một vị thần chủ trong văn hóa của người Chăm Bà La môn.
Sau 7 bậc cầu thang là lối vào nơi thờ vua Po Klong Garai
Trong tháp có thờ Linga – người Chăm gọi là Mukha Linga. Đây là tượng vua Po Klong Garai. Ông có tài dẫn thủy nhập điền và được mệnh danh là vua thủy lợi. Những công trình ông xây dựng từ cuối thế kể 13 vẫn còn đến ngày nay. Đó là đập Nha Trinh và đập Sông Cấm ở phía Tây Ninh Thuận.
Linga được đặt trên một bệ đá có hình Yoni – biểu tượng sinh thực khí nữ, là biểu trưng cho sự đầy đủ của tạo hóa. Nghi thức tắm tượng trong lễ Kate được tổ chức tại tháp
Mặc y trang mới cho thần trong nghi lễ tắm tượng
Hàng năm, khi làm lễ tắm tượng, nước chảy từ Mukha Linga xuống Yoni. Các vị cả sư lấy nước đó vẩy lên người tham dự để cầu mong may mắn và bình an.
Quần thể tháp Chăm nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Chăm góp phần bảo lưu nhiều giá trị tốt đẹp của tộc người.
Viết bình luận