Buổi tối tháng 4, trong căn nhà của chị H Ler Êban, ở buôn Kniết, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, 3 thợ may đang gấp rút ráp đồ cho kịp đơn hàng. Chị H Trim Êban, cho biết, 30 bộ váy áo này được một nhà hàng tiệc cưới ở Buôn Ma Thuột đặt làm đồng phục cho nhân viên. Áo và chân váy màu đen, trên phần cổ áo, tay áo và gấu váy được phối các họa tiết hoa văn thổ cẩm dệt tay của dân tộc Ê Đê.
Chị H Trim kể, gần 5 năm qua, từ việc tranh thủ may đồ ở đây vào buổi tối, chị đã có thêm khoản thu nhập đáng kể. Mỗi tháng chị thu được 3 triệu đồng, đó là chỉ riêng vào buổi tối thôi còn nếu làm cả ban ngày thì giá khác.
Với chị H Yăm Bkrông, ở buôn Cư Êbông, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, từ việc làm lúc nông nhàn, dệt thổ cẩm đã trở thành công việc chính trong hơn chục năm qua. Hiện tại, cả 3 thế hệ trong gia đình chị đều biết dệt, và có 5 người đang là thành viên của Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông, Thành phố Buôn Ma Thuột.
Chị H Yăm kể: Mình học và biết cách dệt, cách kéo sợi rồi về chỉ lại cho em gái, sau đó mình lại dạy cho 2 đứa con của mình và chúng cũng đều biết dệt. Vào hợp tác xã thì mình làm và ăn lương ở đây luôn, ở đây thì mình dệt máy, còn về nhà thì mình dệt tay.
Nghề dệt thổ cẩm đang hồi sinh ở nhiều buôn làng Đắk Lắk, thu hút cả người già người trẻ tham gia. H Phê Bê BKrông, 23 tuổi, thành viên trẻ nhất của Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông, hiện là sinh viên năm cuối trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk. Trong 4 năm qua, dệt thổ cẩm giúp em có nguồn thu nhập để trang trải chi phí học tập và sinh hoạt, thêm yêu thêm say nghề truyền thống.
H Phê Bê tâm sự, Các hoa văn trên áo, trên váy thì em đều biết làm. Mỗi hoa văn đều có những ý nghĩa khác nhau. Để làm được những cái này đòi hỏi sự kiên trì, siêng năng, yêu nghề. Em làm là để gìn giữ truyền thống văn hóa, trang phục của dân tộc mình.
Một gia đình người ÊĐê
Cùng với những sản phẩm truyền thống, thổ cẩm Ê Đê nay đã có thêm nhiều sản phẩm mới, như khăn choàng, ví, túi xách, đai thắt lưng, đồ lưu niệm dành cho khách du lịch; khăn trải bàn, họa tiết trang trí treo tường cho các nhà hàng, khách sạn. Những trang phục thổ cẩm cách tân cũng làm hài lòng các bà, các chị muốn giữ gìn nét văn hóa truyền thống.
Xúng xính trong bộ váy mới, bà H Rum Byă, ở xã Drai Bhăng, huyện Cư Kuin, cho biết, bộ trang phục này có sự kết hợp giữa những hoa văn thổ cẩm truyền thống và chất liệu, kiểu may mới, mặc rất phù hợp, vừa người. Bộ trang phục này có thể sử dụng được trong những dịp lễ lớn như lễ cúng bến nước hay các dịp lễ hội.
Nghệ nhân HYar Kbuôr
Đáp ứng nhu cầu về trang phục thổ cẩm của người dân, hàng lưu niệm, đồ trang trí cho các khu du lịch, nhà hàng khách sạn, phụ nữ Ê Đê ở nhiều buôn làng Đắk Lắk đã quay lại gắn bó với khung dệt. Nhiều địa phương đã hình thành những hợp tác xã, tổ hợp tác dệt thổ cẩm, tiêu biểu như ở buôn Tơng Jú và buôn Bông (Thành phố Buôn Ma Thuột), xã Ea Tul (huyện Cư Mgar), xã Ea Blang (thị xã Buôn Hồ), buôn Mùi 2 (xã Cư Né, huyện Krông Buk)…
Một số chị em còn thiết kế các trang phục thổ cẩm Ê Đê cách tân và lập nên thương hiệu của riêng mình. Chị H Ler Êban, chủ nhà may Amí Sia, ở buôn Kniết, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, cho biết, hiện trung bình mỗi tháng nhà may bán khoảng 40 bộ sản phẩm, với mức giá dao động từ 400 nghìn đồng đến 1 triệu đồng một bộ. Kết nối qua các trang mạng xã hội, trang phục thổ cẩm cách tân đã nhận được nhiều đơn hàng trong và ngoài tỉnh, và có cả những khách hàng là kiều bào ở Mỹ, Úc.
Sắp tới không chỉ dừng lại ở việc cách tân trang phục đồng bào Ê Đê, chị H Ler Êban đang tính đến việc để các nghệ nhân dệt họa tiết hoa văn, phối hoa văn trên áo dài nhằm tạo nên nét riêng. Nếu phát triển được các đơn hàng của các nhà may áo dài thì sẽ tạo thêm việc làm cho nghệ nhân để có thêm thu nhập.
Cũng nhờ đa dạng sản phẩm từ việc kết hợp dệt tay, dệt máy, Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, Thành phố Buôn Ma Thuột) đã tạo việc làm ổn định cho 45 thành viên. Năm vừa qua, doanh thu của HTX đạt 1,2 tỷ đồng, đem lại thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm thổ cẩm đã tìm được đầu ra ổn định tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Đà Nẵng, Quảng Nam. Hiện hợp tác xã đang phát triển mảng du lịch cộng đồng, homestay để nghề dệt ngày càng phát triển:
Giám đốc Hợp tác xã, bà H Yam Buôn Krông, cho biết, mẫu mã sản phẩm dệt phải đa dạng. Ngoài váy, áo, túi… còn làm thêm nhiều sản phẩm khác, trong đó có váy cưới để mọi người sử dụng được. Ngày xưa, chỉ khi có lễ hội người ta mới dung, nhưng hiện nay bình thường người ta vẫn dùng mặt hàng thổ cẩm. Thứ hai là hướng phát triển gắn dệt thổ cẩm với du lịch cộng đồng để giới thiệu với du khách.
Từ đôi bàn tay khéo léo, những phụ nữ Ê Đê đang tiếp nối truyền thống của các bà, các chị, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm thổ cẩm, dệt nên những thành công trong đời sống mới. Dệt thổ cẩm không chỉ là thước đo, vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống, mà dần hình thành những lớp phụ nữ hiện đại, năng động, sáng tạo đưa thổ cẩm thành sản phẩm hàng hóa, tạo thu nhập cho gia đình và cộng đồng.
Trang phục thổ cẩm ÊĐê tỏa sáng cùng Hoa hậu H Hen Niê
Thổ cẩm đã đồng hành cùng H’Hen Niê, người con gái Ê Đê tỏa sáng với ngôi vị Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017, vươn tầm thế giới khi vào top 5 Hoa hậu hoàn vũ 2018. Ngoài những lần diện trang phục dân tộc Ê Đê nguyên bản khi dự các sự kiện đặc biệt, Hoa hậu H’Hen còn thường xuyên sử dụng chất liệu đặc trưng văn hóa của nơi mình sinh ra để ứng dụng vào những mẫu thiết kế hiện đại, high-fashion. Từ bản sắc văn hóa truyền thống, thổ cẩm Ê Đê đang tràn đầy sức sống mới./.
VOV Tây Nguyên
Viết bình luận