Bảo tồn văn hoá dân tộc rất ít người – trách nhiệm không của riêng ai
Thứ ba, 15:39, 07/11/2023  Lê Hạnh/VOV Tây Bắc Lê Hạnh/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Nét đẹp, truyền thống văn hoá của các dân tộc rất ít người ở Việt Nam đã, đang và sẽ được gìn giữ không chỉ bằng niềm tự hào, trách nhiệm của bà con, mà có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng, xã hội – Một thông điệp ý nghĩa từ Ngày hội Văn hoá các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất năm 2023.

 

Lần đầu tiên, 14 dân tộc rất ít người của Việt Nam cùng hội tụ, cùng bước đi trên một sân khấu lớn, cùng mang đến bản sắc riêng có của mình... để vẽ nên một bức tranh văn hoá rực rỡ sắc màu giữa Quảng trường nhân dân tỉnh Lai Châu.

Niềm tự hào, sự vui mừng, phấn khởi hiện hữu trong mỗi ánh mắt, nụ cười, qua từng lời ca, điệu múa, màn trình diễn giới thiệu nét đẹp văn hoá của đồng bào các dân tộc dưới 10.000 người.

"Dân tộc Rơ măm có nhiều nét văn hoá, như cồng chiêng, múa xoang, các lễ khác như đâm trâu, cúng lúa mới, lễ xuất kho... Mong Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để ngày hội như này được tổ chức phổ biến hơn, để chúng tôi có cơ hội quảng bá các phong tục, tập quán, trang phục của các dân tộc; bà con được giao lưu học hỏi, cùng nhau phát triển văn hoá phi vật thể của dân tộc." - Anh A EK’ – thanh niên người dân tộc Rơ Măm đến từ xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum chia sẻ.

Là dân tộc có số dân ít nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng bào Ơ Đu ở tỉnh Nghệ An luôn tự hào vì đã bảo tồn được những giá trị văn hoá truyền thống, như các nghi thức, lễ hội, trang phục... Đến với Ngày hội, đồng bào Ơ Đu tự tin giới thiệu, quảng bá những bản sắc ấy, nhưng cũng không giấu nỗi niềm trăn trở, nhất là với việc gìn giữ ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc.

"Ngày xưa người Ơ Đu thường sống xen kẽ với người Khơ Mú, người Thái... Chủ trương Đảng, Nhà nước giúp chúng tôi sống tập trung lại nhưng nay có người dùng tiếng Thái, người dùng tiếng Khơ Mú. Hiện những người già đang truyền dạy cho con cháu mình tiếng dân tộc Ơ Đu. Chúng tôi mong muốn Nhà nước quan tâm, khôi phục lại tiếng nói để con cháu đều biết tiếng Ơ Đu mình." - Ông Lò Văn Cường, đến từ huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết.

Ông Lê Quang Nghị, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cũng bày tỏ: "Dân tộc Ngái hiện nay cũng mai một, nét đẹp văn hoá cũng rất ít người biết đến và gìn giữ, qua đây mong muốn làm sao để học hỏi kinh nghiệm gìn giữ, phát huy, để truyền lại cho thế hệ trẻ mai sau gìn giữ nét đẹp văn hoá đó."

Cùng với tâm huyết, trách nhiệm của bà con, những giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc rất ít người còn được gìn giữ, bảo tồn và lan toả bằng sự chung tay của cộng đồng, xã hội. Đơn cử như hình ảnh rất đông những đoàn “du khách” là cô và trò các trường mầm non trên địa bàn thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu có mặt trong những ngày diễn ra lễ hội, háo hức được hoà mình, trải nghiệm, khám phá.

Chị Nguyễn Ngọc Trâm, giáo viên Trường mầm non Baby Star, thành phố Lai Châu cho biết: "Nhà trường tổ chức cho các cháu đi để có những trải nghiệm mới, để biết rằng trong cộng đồng 54 dân tộc thì còn nhiều dân tộc ít người mà các bạn chưa biết tới. Các bạn nhỏ rất hứng thú, khi xe của nhà trường đến cổng thì các bạn đã reo hò rất là thích."

Ngày hội Văn hoá các dân tộc có số dân dưới 10.000 người khép lại, nhưng dư âm sẽ còn mãi trong lòng đồng bào, du khách gần xa. Trong đó có thông điệp ý nghĩa mà Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ đã nhấn mạnh trong buổi khai mạc: “Truyền thống của các dân tộc thiểu số rất ít người là di sản quý giá, đó không chỉ là tài sản của riêng một vùng đất, con người hay địa phương, mà còn là tài sản vô giá của quốc gia. Các giá trị văn hóa truyền thống đã và đang được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị cùng các dân tộc thiểu số rất ít người chung tay xây dựng, củng cố. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc rất ít người là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước../.

Lê Hạnh/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC