Bếp lửa - nơi linh thiêng trong nếp nhà truyền thống của người Khơ Mú
Thứ sáu, 06:55, 04/10/2024 Tòng Đức Anh -VOV Tây Bắc Tòng Đức Anh -VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN: Đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Điện Biên còn lưu giữ nhiều nét văn hoá đặc sắc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Trong đó, bếp lửa trong nếp nhà sàn truyền thống được bà con rất coi trọng.

 

Ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Khơ Mú được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như: Gỗ, tre, nứa, mây, tranh…Không gian trong nhà được chia thành hai dãy các phòng ngủ song song, dãy phía trên là phòng ngủ của ông bà, cha mẹ, con trai, con dâu; dãy phía dưới là phòng ngủ của con gái, con rể…Nhà có sàn để phơi phóng ngay đầu cầu thang, nhưng chỉ có một cửa ra vào bên sàn, một cửa sổ, không có hiên.

Đặc biệt, trong nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào Khơ Mú không thể thiếu hai bếp lửa đun củi ở trong nhà. Một bếp được đặt tại gian phía trong cùng nhất, một bếp đặt gian giữa của ngôi nhà, cạnh bàn thờ tổ tiên được treo ở trên cao. 

“Bà con rất coi trọng việc cất, dựng bếp, cũng như lúc sử dụng bởi ý nghĩa riêng của từng bếp lửa. Sau khi dựng nhà mới xong, gia chủ sẽ chọn, mời những người thân bên gia đình vợ, thường là anh trai, em trai của vợ để đảm nhiệm giúp công việc cất, dựng bếp. Điều đó thể hiện sự kính trọng bên ngoại, với mong muốn sẽ đem điều tốt lành nhất đến cho gia đình”, ông Quàng Văn Cá, người am hiểu về phong tục tập quán, văn hoá người Khơ Mú ở bản Tọ Cuông, xã Ảng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên cho biết.

Để làm được một cái bếp, trước tiên chủ nhà sẽ chọn hướng đặt, dùng 4 thanh gỗ đóng thành khung vuông cố định thật chắc chắn, cao khoảng 20cm, đường kính mỗi thanh gỗ khoảng 10cm, rộng từ 4-5m2, tuỳ theo từng gia đình. Phía dưới khung gỗ được đặt một lớp vỏ cây chuối còn tươi để giữ đất, đồng thời làm giảm độ nóng rát của bếp lửa khi đun nấu nhiều. Bà con sẽ đào lấy đất ngay phía dưới nền nhà nơi đặt khung bếp để đắp lên khung đã đặt sẵn, mỗi một lớp đất đổ vào sẽ rội một lần nước, rồi dùng viên gạch, đá đập cho đất thật nhuyễn, chặt, cho đến khi đầy khung gỗ thì thôi. Càng đầm chắc thì đất sẽ không bị nứt nẻ về sau. Sau đó, đặt 3 hòn đá chôn vào chính giữa thay cho cái kiềng bằng sắt.

Công năng sử dụng của hai bếp lửa này khác nhau và có những điều kiêng kỵ riêng. Bà Quàng Thị Vừ, bản Tọ Cuông, xã Ảng Tở, huyện Mường Ảng cho biết: “Bếp phía gian trong cùng là nơi rất kiêng kỵ, linh thiêng của người Khơ Mú. Bếp này chỉ được dùng để xôi cơm, nấu rượu và nơi sinh con. Vì trước đây, y tế cơ sở ở các bản làng vùng cao cũng chưa có, nên chị em phụ nữ thường có thói quen sinh con tại nhà, chỉ có sự giúp sức của người thân có kinh nghiệm trong đỡ đẻ. Sinh xong, bà con sẽ dùng cái ninh chuyên xôi cơm rửa sạch để đun nước tắm rửa cho bé trước, sau đó mới tắm cho cả mẹ. Và cũng là nơi bếp củi luôn đỏ lửa để sưởi ấm cho mẹ và bé trong lúc đang nằm cữ. Còn ngày nay, xã hội phát triển, chị em phụ nữ không còn tự sinh con ở nhà nữa, đã biết đến trạm xá, cơ sở y tế để sinh con”.

Đặc biệt, theo phong tục của người Khơ Mú, khi người đàn ông là trụ cột trong gia đình mất, thì mọi việc nấu nướng cũng phải được thực hiện tại gian bếp trong cùng và lúc di quan cũng không được đưa qua cửa chính ra vào, mà bà con sẽ dỡ một vách ngay cạnh bếp này để khiêng tiễn đưa người đã khuất về với tổ tiên qua đường này. Ngược lại, khi người phụ nữ của gia đình mất thì không được nấu nướng tại bếp lửa này, mà chỉ được nấu nướng tại gian bếp giữa nhà bên sàn.

“Bếp ở gian giữa nhà chuyên để nấu các món ăn, đun nước trừ xôi cơm. Tuy nhiên, cạnh bếp này phía dưới làn bàn thờ tổ tiên nên khách không được ngồi vào đây, chỉ có chủ nhà mới được ngồi. Và cũng không được nướng thịt bên giáp với bàn thờ”, ông Quàng Văn Cá, bản Tọ Cuông, xã Ảng Tở, huyện Mường Ảng cho biết thêm.

Ngoài để nấu nướng hàng ngày, bếp lửa còn là nơi để các thành viên trong gia đình đồng bào Khơ Mú ngồi quây quần khi bàn bạc công việc; ông bà, cha mẹ khuyên răn con cháu những điều hay, lẽ phải, cũng là nơi để chị em phụ nữ tận dụng ánh lửa để ngồi quay tơ, dệt vải vào ban đêm… Bếp lửa cần thiết và linh thiêng là vậy, nên được đồng bào người Khơ Mú rất coi trọng từ đời này qua đời khác./.

Tòng Đức Anh -VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC