Theo quan niệm của người K’Ho, cườm là trang sức thể hiện quyền lực và điều kiện kinh tế của gia đình. Người giàu có thì đầy ắp những gùi cườm, nhà nghèo thì có vài xâu, thậm chí chỉ là vài hạt. Dù ít hay nhiều, hầu như gia đình nào cũng phải có vòng cườm.
Già làng Liêng Hót Ha Brưng ở thôn Đạ Đờn, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho biết: Từ xa xưa, cườm không phải do người KHo tự chế tác, mà được mua lại từ người Chăm. Họ mang cườm lên vùng đất cao nguyên để trao đổi hàng hóa, nên thời xưa cườm có giá trị như một đơn vị tiền tệ để mua bán. Cườm ngày xưa được chế tác từ đá mã não và phải xuống tận Phan Rang mua của người Chăm chứ người K’Ho không chế tác cườm.
Hiện nay hầu hết cườm được làm bằng nhựa hoặc thủy tinh, nhưng vẫn đảm bảo về màu sắc truyền thống với 5 gam màu chủ đạo gồm: trắng, đen, đỏ, vàng, xanh. Người K’Ho quan niệm về màu sắc rất tinh tế; đen- tượng trưng cho đất (cả cuộc đời từ lúc sinh ra đến lúc chết, con người đều gắn bó với đất), đỏ- tượng trưng cho khát vọng, ý chí vươn lên, xanh là màu của trời, vàng là màu của ánh sáng, là sự kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Qua việc phối màu trên chuỗi cườm có thể nhận biết đẳng cấp của chủ nhân.
Những chuỗi cườm có hình dáng, kích thước lớn nhỏ khác nhau. Loại hạt lớn hình bầu dục, hạt nhỏ hình tròn, tiết diện dẹt; được xâu chuỗi theo một mô típ màu xen kẽ nhất định, tạo sự hài hòa, đẹp mắt.
Theo già làng Liêng Hót Ha Brưng, chính việc sáng tạo trong phối màu, lựa chọn kích thước hạt, đã tạo nên sự đa dạng của các loại cườm của người K’Ho. Cườm có khoảng 4, 5 loại, bao gồm cườm Kĕ, cườm Gôr Mang, cườm Pôp, Tăp Jơ Lang…, trong đó, cườm Gơr Mang là quý nhất.
Chuỗi hạt cườm là trang sức được phụ nữ K’Ho đeo phổ biến nhất. Nó kết hợp với các trang sức khác như vòng, khuyên tai, váy áo, giúp họ xinh đẹp và lộng lẫy hơn. Khi dùng làm trang sức, cườm có 2 loại; đeo tay và đeo cổ.
Già làng Liêng Hót Ha Brưng cho biết: cườm đeo cổ là thông dụng nhất với loại cườm đại hàn. Loại cườm này còn dùng để tặng cho khách đến nhà, để tặng mừng gặp mặt. Cườm được dùng để làm trang sức đeo hàng ngày. Khi đeo họ thích những loại cườm quý và cổ từ lâu đời. Còn trong việc cưới hỏi thì dùng loại nào cũng được, tùy theo yêu cầu của nhà trai và điều kiện của nhà gái.
Có một điều đặc biệt là khi tặng khách, gia chủ sẽ tặng cho người phụ nữ cườm Chài, còn tặng cho đàn ông cườm Đại hàn. Ông Lơ Mu Ha Thanh, ở thôn 3, xã Tà Nùng, thành phố Đà Lạt lý giải, người K’Ho theo chế độ mẫu hệ, nên họ quan niệm rằng người phụ nữ là trụ cột chính của gia đình, vai trò của người phụ nữ luôn được coi trọng, còn người đàn ông là tấm chăn để phủ lên miệng gùi, là người che chở gia đình.
Cườm đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống hôn nhân của người K’Ho. Đó là biểu hiện của tình yêu, lòng chung thủy của chàng trai, cô gái và các cặp vợ chồng K’Ho đã về chung sống một mái nhà. Cườm được dùng để thay lời tỏ tình, là sính lễ không thể thiếu khi ăn hỏi. Vì vậy, cườm không chỉ là món quà mang giá trị vật chất mà còn đóng vai trò thiêng liêng, là sợi dây gắn kết lứa đôi, là lời nguyện thể thủy chung.
Già làng Liêng Hót Ha Brưng cho biết, theo phong tục K’Ho từ xưa thì cườm là vật bắt buộc phải có trong việc cưới xin. Bên cạnh đó thì cườm còn dùng để làm vật biếu tặng. Ví dụ như con cháu vào thăm ông bà thì ông bà phải tặng cườm cho cháu để cháu không khóc dỗi. Cháu đi thăm cậu, thăm bác cũng phải tặng cườm để tỏ lòng yêu mến.
Cườm giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người K’Ho. Chuỗi cườm tôn lên vẻ đẹp hình thể con người, nhất là phụ nữ. Vì vậy ngoài làm đẹp, cườm còn liên quan đến văn hóa, lễ hội, phong tục của người K’Ho. Trong luật tục, cưới hỏi thì cườm luôn là kỷ vật trao đổi, cam kết, ghi nhớ như một biểu tượng cho lòng tin, sự thủy chung son sắt. Đối với cộng đồng thì cườm là sợi dây để tăng thêm mối liên kết của mọi người./.
Viết bình luận