Còn nhớ, có lần, trong một lễ hội của người Xơ Đăng (nhánh Hà Lăng) ở huyện Sa Thầy, tôi đã không khỏi ngạc nhiên, trầm trồ khi lần đầu tiên được nếm món “đọt mây nấu ống lồ ô”. Cho dù dễ liên tưởng tới “bồn bồn” của người miền Tây, song đọt mây vẫn mang hương vị rất riêng, không thể trộn lẫn.
Theo những người già mà tôi đã gặp, mây là loại dây rừng mọc ở vùng sâu, vừa xa xôi, cách trở, lại khó lấy, vì vậy, chỉ mỗi dịp thật đặc biệt, dân làng mới cất công đem về một ít “đặc sản” làm vật dâng cúng. Thường thì, mây được giữ, dành để đan lát. Coi trọng giá trị của nó, nên dân làng không tùy tiện, phung phí khai thác.
Từ xa xưa, dây mây được xem là “hồn” trong đan lát thủ công của người Xơ Đăng vùng núi Ngọc Linh. Có loại mây trắng, mây đỏ, có loại mây lớn, mây nhỏ. Mây cái được gọi là “gei kan”, mây con là “gei koan”. Tất cả đều ở rừng sâu và phân bổ tập trung ở khu vực rừng già, rừng rậm. Dùng để làm nhà, dây mây hơi “già” là thích hợp, song để đan lát thì phải là mây “vừa” hoặc hơi “non”.
Mây lấy về, được cuộn lại cho dễ vận chuyển cũng như bảo quản, có thể dùng ngay sau khi đã tước vỏ, bỏ mắt, ra nan, chẻ lạt. Cuộn mây chưa dùng được giữ lại, treo trên giàn bếp, để dành trong khoảng 1 năm chất lượng vẫn đảm bảo. Tuy vậy, để lâu, mây bị giòn, dễ gãy, không còn độ dẻo bền cần thiết.
Già A Đeng là nghệ nhân có tiếng ở làng Rờ Kơi (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) cho hay: Cũng như lồ ô, xăm lũ, tre, le, dây mây chính là chất “bột” góp phần “gột” nên “hồ” trong đan lát thủ công của người Hà Lăng. Bình thường, để đan một vật dụng phổ biến như cái rổ, cái nia, sàng, hay chiếc gùi, chiếc trũ (đơm cá), ngoài nguyên liệu chính (lồ ô, giang, xăm lũ…) làm “thân” vật dụng, thì dây mây (kờ xe trơ trải) chủ yếu dùng để buộc, cột, làm vành.
Với đặc tính mềm dẻo, bền chắc, không gì phù hợp hơn dây mây khi được dùng để “chốt” lại vành rổ, nia, miệng gùi… sau quá trình miệt mài đan lát. Chẳng những thế, sự có mặt của những mối mây bé nhỏ mà độc đáo còn góp phần tạo ra “điểm nhấn sắc màu” rất riêng trên sản phẩm.
Không chỉ dùng buộc, cột, làm vành các vật dụng đan lát trong gia đình, dây mây cũng được làm nguyên liệu chính để tạo ra sản phẩm độc đáo, đặc biệt có giá trị, thể hiện “tinh hoa” của nghề đan lát thủ công truyền thống. Tiêu biểu là những chiếc gùi hay những chiếc “áo khoác” để bảo quản cồng, chiêng.
Theo Nghệ nhân ưu tú A Nan ở làng Kon Stiu (xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà), chỉ có dây mây mới được chọn làm nguyên liệu chính để làm nên những chiếc gùi dành cho đàn ông (kchui) của người Xơ Đăng (nhánh Tơ Đrá).
Cùng với phần khung được chọn bằng cật cây lồ ô (hoặc đoạn gỗ tốt), thì sợi mây dùng chẻ lạt, vót nan cũng phải được “tuyển” kỹ là loại mây “vừa tuổi” (hoặc hơi non một chút), vừa mềm dẻo dễ đan vừa chắc bền, lâu hỏng. Trong đó, từng sợi mây luôn được vót chuốt một cách kỹ càng, đều đặn; để khi đan vào thì đạt đến độ khít cao nhất, tạo nên sự tinh tế, đẹp mắt cho sản phẩm.
Chiếc gùi ba ngăn của người Giẻ Triêng được đan bằng mây.
Với nghệ nhân A Phía ở làng Rắc, xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy), thì nếu xem lồ ô, tre, nứa là “hồn cốt” của đan lát nói chung và chiếc gùi có nắp đậy nói riêng, thì dây mây (tiếng Gia Rai là: hơ rẽ way) chính là “mạch máu” của mỗi vật dụng này. Từng nút thắt, mối buộc dây mây đều thể hiện sự tỷ mỉ, tinh tế của nghề đan lát.
Mỗi hoa văn trên thân gùi, nắp gùi được kết hợp hài hòa giữa những sợi nan dẹp, nan tròn từ cây giang, lồ ô, xăm lũ và dây mây càng minh chứng sinh động cho nét tài hoa của nghệ nhân.
Không chỉ tạo ra các đồ dùng, vật dụng cần thiết phục vụ sinh hoạt gia đình, đan lát truyền thống còn có vai trò nhất định và không thể thiếu trong kiến trúc truyền thống và một số nghề thủ công dân gian của đồng bào các DTTS Bắc Tây Nguyên. Trong đó, sự hiện diện của dây mây với vị trí kết nối các bộ phận (buộc, cột, chằng níu…) khi dựng cây nêu, làm nhà sàn, nhà rông hay dây mây được dùng vào chế tác nhạc cụ dân tộc thực sự đã để lại dấu ấn đậm nét.
Theo Nghệ nhân ưu tú Y Sinh (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô), đàn tơ rưng được làm bằng chủ yếu bằng ống nứa (loang rơ chêa), song dây mây mới chính là “sợi dẫn” nối chúng lại với nhau. Đặc biệt, dây mây, lạt mây được dùng để buộc phần chân của khung đàn, cần thật chắc tay và hoàn hảo thì tiếng tơ rưng mới hay mới tốt.
Dây mây của nghệ nhân đan lát ở xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà).
Vì là nguyên liệu quý dùng để đan lát, nên dây mây luôn được nâng niu trong quá trình khai thác, bảo quản. Gần cả cuộc đời gắn bó với con dao, cái rựa, già A Đêng ở thôn 6, xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) luôn giữ kỹ từng cọng nan, sợi lạt. Mây được lấy từ rừng sâu, song phải tránh những ngày sáng trăng, vì theo kinh nghiệm lâu năm của ông, đó là thời điểm dây mây không đạt độ dẻo, bền như mong muốn.
Tuy vậy, điều làm già A Đêng và bất cứ người già nào quan tâm là theo thời gian, những cánh rừng ngày càng lùi xa, dây mây càng khó tìm và không dễ lấy. Các nghệ nhân đan lát giờ đây hầu hết đều cao tuổi, yếu sức. Việc tìm kiếm nguyên vật liệu đan lát nói chung, dây mây nói riêng đều trông cậy vào những người sức vóc, trai trẻ mạnh khỏe.
Bởi vậy, gắn với yêu cầu khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của đồng bào các DTTS tại chỗ, theo tinh thần Nghị quyết số 08 - NQ/TU của Tỉnh ủy Kon Tum, vấn đề đặt ra đối với nguồn nguyên liệu là điều cần được quan tâm, chú ý. Không chỉ phụ thuộc vào khai thác trong điều kiện tự nhiên, sẽ đến lúc, dây mây cũng cần được trồng theo quy hoạch, kế hoạch, như cách ở không ít nơi, bà con đã chủ động tạo ra vùng nguyên liệu tre nứa để phục vụ đan lát.
Theo Thanh Như/Kon Tum online
Viết bình luận